Quốc hội Anh bỏ phiếu chống tấn công Syria

Tại phiên bỏ phiếu ngày 29/8, với tỷ lệ 285 phiếu chống, 272 phiếu thuận, Hạ viện Anh đã bác bỏ kiến nghị của chính phủ nước này can thiệp quân sự vào Syria.

Phát biểu sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, Thủ tướng Anh David Cameron nói: "Tôi đã thấy rõ là Quốc hội Anh, phản ánh quan điểm của người dân Anh, không muốn chứng kiến hành động quân sự của Anh. Tôi hiểu điều này và chính phủ sẽ hành động một cách phù hợp".

Thất bại trên được coi là một sự cự tuyệt "đau đớn" đối với ông Cameron, người đã kêu gọi triệu tập phiên họp Quốc hội sau kỳ nghỉ mùa Hè để bỏ phiếu về vấn đề này.

Israel đã cho phép điều động một phần quân dự bị nước này trước khả năng sẽ xảy ra cuộc tấn công quân sự đối với Syri. Ảnh AFP/TTXVN


Phản ứng của Mỹ

Bất chấp động thái bất ngờ của Quốc hội Anh bác bỏ kiến nghị hành động quân sự đối với Syria, Mỹ vẫn tỏ ý sẽ thực hiện chủ trương mà Liên hiệp quốc đã phản đối. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, Caitlin Hayden, ngày 29/8 vẫn khẳng định Tổng thống Barack Obama sẽ hành động nhằm đảm bảo “lợi ích tối thượng” của Mỹ trong vấn đề Syria, quốc gia Trung Đông này. Bà Hayden nói: “Quá trình ra quyết sách của Tổng thống Obama sẽ được dẫn dắt bởi những gì thuộc về lợi ích tối thượng của Mỹ. Ông tin rằng có những lợi ích cốt lõi của Mỹ đang bị đe dọa và những quốc gia vi phạm các chuẩn mực quốc tế liên quan đến vũ khí hóa học cần bị quy kết trách nhiệm”.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng giải thích với người dân nước này về lý do Mỹ có thể phát động một cuộc chiến tranh mà ông mô tả là để "cảnh cáo" chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad về cái mà ông gọi là "đã sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt". Trả lời phỏng vấn trên chương trình "NewsHour" của kênh truyền hình PBS, Tổng thống Obama khẳng định Chính phủ Syria "đã thực hiện một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường".

Ông Obama cho biết cho tới nay Nhà Trắng chưa có quyết định mà vẫn đang cân nhắc các phương án quân sự nhằm gửi "một thông điệp mạnh mẽ" cho chính quyền của Tổng thống Assad. Chấm dứt việc sử dụng vũ khí hóa học sẽ có tác động tích cực tới an ninh quốc gia lâu dài của Mỹ.

Cùng ngày, toàn bộ ê kíp an ninh quốc gia của Nhà Trắng gồm Tổng thống Obama, Ngoại trưởng John Kerry, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, Cố vấn An ninh quốc gia Susan Rice, Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia James Clapper và Phó Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân, Đô đốc James Winnefeld Jr đã có cuộc thông báo qua cầu truyền hình trực tiếp cho lãnh đạo hai đảng tại Quốc hội Mỹ về các diễn biến mới của tình hình Syria, trong đó có các báo cáo tình báo về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học.

Một báo cáo tình báo được trình bày xác nhận Syria đã sử dụng vũ khí hóa học ngày 21/8, nhưng không có bằng chứng về việc đích thân Tổng thống Assad ra lệnh thực hiện vụ tấn công này.

Trong một diễn biến khác, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cho biết ông đã đàm thoại với Tổng thống Obama, yêu cầu các cường quốc chớ vội tấn công Syria cho đến khi nhóm thanh sát viên của LHQ hoàn tất công việc điều tra. Ông Ban cho biết nhóm thanh sát của LHQ sẽ rời Syria ngày 31/8 và sau đó sẽ phúc trình kết quả điều tra.

“Câu giờ"

Trong khi đó, các nguồn tin Israel ngày 29/8 cho biết Mỹ dường như đột ngột có các động thái "câu giờ" cho hành động quân sự chống Syria, sau khi quân đội nhiều nước Trung Đông và Châu Âu đã ở trạng thái sẵn sàng sau khi hoàn tất công tác chuẩn bị chiến tranh.


Một trong những động thái là việc Nhà Trắng rò rỉ thông tin về việc trì hoãn công bố cho thế giới biết bằng chứng về việc Tổng thống Syria Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học chống người dân nước này. Sự trì hoãn được giải thích là do "thông tin chưa sẵn sàng".

Một động thái khác là việc giới chức thân cận với Tổng thống Mỹ phàn nàn việc ông Barack Obama bị mắc kẹt trong lịch công cán nước ngoài. Theo đó, ông Obama dự kiến sẽ thăm Thụy Điển ngày 4/9, trên đường tham dự hội nghị cấp cao G-20 tại St. Petersburg (Nga) ngày 5-6/9. Điều này khiến cho thời điểm tối ưu để ông Obama ra quyết định mở cuộc tấn công Syria rơi vào đêm 30, rạng 31/8 hoặc sau ngày 2/9.

Mặc dù ông Obama dường như vẫn giữ vững lập trường can thiệp quân sự, các nguồn tin tại Mỹ và Nga tiết lộ rằng ông Obama đã "hãm phanh" đà thực hiện cuộc tấn công nhằm "câu giờ" cho Ngoại trưởng John Kerry kết thúc các cuộc đàm phán bí mật với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov để đi đến thỏa thuận. Theo đó, Mỹ sẽ giảm bớt hành động quân sự chống chính quyền Assad và chỉ tấn công chiếu lệ, sau đó tổng thống Mỹ và Nga thông báo tổ chức hội nghị Geneva-2 để thực hiện giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria và chấm dứt cuộc nội chiến.

Hiện kênh sau của các ngoại trưởng Kerry-Lavrov vẫn chưa đạt được kết quả, do đó số phận cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào Syria vẫn chưa rõ ràng và thời gian biểu có thể thay đổi.

TN

Quốc hội Anh bỏ phiếu chống tấn công Syria
Quốc hội Anh bỏ phiếu chống tấn công Syria

Thất bại này được coi là một sự cự tuyệt "đau đớn" đối với ông Cameron, người đã kêu gọi triệu tập phiên họp Quốc hội sau kỳ nghỉ mùa Hè để bỏ phiếu về vấn đề này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN