Dự thảo luật do Chính phủ liên bang Áo đệ trình đã nhận được đa số ủng hộ của các nghị sĩ Hội đồng Quốc gia (Hạ viện) Áo, trong đó có 137 nghị sĩ bỏ phiếu thuận và 33 phiếu chống. Dù chỉ là hình thức, song Hội đồng liên bang (Thượng viện) vẫn phải thông qua để dự luật có hiệu lực. Quy định mới sẽ bắt buộc tiêm chủng đối với nam nữ công dân trên 18 tuổi, trong khi với nhóm tuổi từ 14-17 có thể tự quyết định có tiêm hay không (ban đầu, Chính phủ Áo chỉ muốn đặt ngoại lệ với trẻ dưới 14 tuổi).
Tuy nhiên, quy định sẽ không áp dụng với phụ nữ mang thai cũng như các đối tượng vì lý do y tế không thể tiêm chủng. Những người đã khỏi bệnh được miễn tiêm chủng trong vòng 180 ngày kể từ khi mắc bệnh. Giai đoạn quá độ để mọi người đi tiêm chủng sẽ kéo dài tới giữa tháng 3 tới. Trong khoảng thời gian này, mỗi hộ dân sẽ nhận được thông báo qua bưu điện về quy định tiêm chủng bắt buộc và khi có hiệu lực, lực lượng chức năng sẽ tiến hành kiểm soát ngẫu nhiên tình trạng tiêm chủng của từng người, chẳng hạn như khi đi trên đường. Những người không phải đối tượng đặc biệt mà không tiêm chủng sẽ bị phạt, với mức phạt dao động từ 600 - 3.600 euro.
Bộ trưởng Y tế liên bang Áo Wolfgang Mückstein nhấn mạnh tiêm chủng bắt buộc là hành động thể hiện sự đoàn kết và gắn bó của người dân với nhau. Ông nêu rõ, khi càng có nhiều người được tiêm chủng thì sẽ càng có ít ca tử vong vì COVID-19. Bà Pamela Rendi-Wagner, Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội (SPÖ) đối lập cũng hoan nghênh kế hoạch này.
Đảng duy nhất bỏ phiếu chống dự luật là Đảng Tự do Áo (FPÖ), cho rằng việc áp đặt tiêm chủng bắt buộc là đi ngược lại quyền tự do của người dân. Để khuyến khích tiêm chủng, Chính phủ Áo có nhiều hình thức như cung cấp xổ số tiêm chủng, tặng thưởng các vùng đạt tỷ lệ tiêm chủng cao,... Tổng cộng có khoảng 1 tỷ euro chi cho các biện pháp này.
Áo đặt mục tiêu đạt tỷ lệ tiêm chủng từ 85-90% dân số từ 5 tuổi trở lên. Hiện con số này mới chỉ đạt 75%, trong khi tỷ lệ tiêm chủng theo tổng dân số là 72%. Với quyết định trên, Áo là quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) quy định tiêm chủng bắt buộc. Trước đó, Italy và Hy Lạp đã áp đặt tiêm chủng bắt buộc với người cao tuổi.