Lội dòng ngoạn mục
Theo kênh CNN, chỉ 6 tháng trước, khu vực Mỹ Latinh và Caribe khi đó chiếm gần một nửa số ca tử vong vì COVID-19 trên toàn thế giới. Các chuyên gia cho biết việc triển khai vaccine chậm chạp trong thời gian đầu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Tuy nhiên, theo dữ liệu mới nhất từ Đại học Johns Hopkins, khu vực này hiện chỉ chiếm khoảng 10% số ca tử vong liên quan đến COVID-19 trên toàn cầu.
Số liệu của Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) chỉ ra rằng trong nửa cuối năm nay, một số quốc gia Mỹ Latinh đã nhận được nguồn vaccine khá dồi dào từ châu Âu, Mỹ, Trung Quốc và các loại vaccine nội địa tự sản xuất. Cuba, Chile và Brazil là một trong 10 quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cao hàng đầu trên thế giới.
Một trong những nguyên nhân mang lại thành công cho những chiến dịch tiêm chủng này đó là nhiều quốc gia ở Mỹ Latinh có chương trình tiêm chủng quốc gia lâu đời và đáng tin cậy phòng các bệnh khác, chẳng hạn bại liệt.
Trong số đó, Cuba dường như là minh chứng nổi bật nhất cho thành công của chương trình tiêm chủng nhờ vào vaccine nội địa. Quốc gia này hiện có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trong khu vực - và là một trong những nước có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới - với 84,1% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ, theo PAHO. Vào tháng 9, Cuba trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới bắt đầu tiêm vaccine COVID-19 đại trà cho trẻ em dưới 2 tuổi.
Vaccine “cây nhà lá vườn” do Cuba chế tạo đã được các cơ quan quản lý phê duyệt sử dụng khẩn cấp vào mùa hè qua. Các nhà khoa học cho biết vaccine này an toàn và hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong. Chính phủ Cuba cũng đã nộp đơn đề nghị Tổ chức Y tế Thế giới phê duyệt cho vaccine của mình hồi tháng 9.
Trong khi đó Brazil, nơi có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất trên thế giới, đã vượt qua những ngày đen tối nhất của đại dịch, nhờ chương trình tiêm chủng thành công. Các thành phố lớn như Rio de Janeiro và Sao Paulo báo cáo trên 99% dân số trưởng thành được tiêm ít nhất một mũi vaccine. Theo số liệu của PAHO tính đến ngày 23/12, Brazil đã tiêm tổng cộng hơn 315 triệu liều vaccine, với 65,7% dân số được tiêm chủng đầy đủ.
Kỷ lục của Chile thậm chí còn xuất sắc hơn - với 85,6% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Uruguay đã tiêm chủng cho 76,6% dân số và tỷ lệ tiêm chủng của Argentina hiện đạt mức 70%.
Ở Ecuador, 69,1% dân số đủ điều kiện đã được tiêm chủng đầy đủ. Tại quốc gia này, việc tiêm vaccine COVID-19 sẽ được thực hiện bắt buộc đối với những người đủ điều kiện từ 5 tuổi trở lên, theo Bộ Y tế Ecuador. Ecuador cũng trở thành quốc gia đầu tiên ở Mỹ Latinh áp dụng tiêm chủng bắt buộc cho toàn bộ dân số đủ điều kiện. Thông cáo của Bộ Y tế cho biết yêu cầu này sẽ không áp dụng với những người đã có các tình trạng bệnh lý nền.
Tại Peru, nơi có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất trên thế giới, 63,9% dân số đủ điều kiện hiện đã được tiêm chủng đầy đủ.
Theo báo cáo của PAHO, tính đến ngày 22/12, hơn 868 triệu liều vaccine đã được phân phối ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe. Khoảng 62% dân số Mỹ Latinh đã được tiêm chủng đầy đủ, tỷ lệ này cao hơn so với 60,7% tại châu Âu, 56% tại Bắc Mỹ, theo dữ liệu của Our World in Data, dự án nghiên cứu đại dịch thuộc Đại học Oxford của Anh. Ở châu Phi, chỉ 8,8% dân số đã hoàn thành chế độ tiêm chủng đầy đủ.
Tỷ lệ không đồng đều
Tuy nhiên, PAHO cảnh báo rằng việc tiêm chủng ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe vẫn chưa đồng đều. Một số quốc gia khó đạt được mục tiêu tiêm chủng 40% vào cuối năm và nhiều quốc gia chỉ đạt trên ngưỡng 50% dân số tiêm chủng đầy đủ.
Các quốc gia vẫn đang vật lộn với tỷ lệ tiêm chủng thấp trong khu vực bao gồm Jamaica và Guyana thuộc Pháp, nơi chỉ có lần lượt 18,7% và 25,4% người dân được tiêm chủng đầy đủ. Trong số các quốc gia lớn hơn trong khu vực, Mexico mới chỉ vượt qua ngưỡng 50%.
Trong bối cảnh biến thể Omicron đang lan rộng, giống như ở nhiều nơi trên thế giới, Mỹ Latinh đang bắt đầu chứng kiến sự gia tăng mạnh các trường hợp mắc COVID-19. Trong tuần tính đến ngày 23/12, châu Mỹ (bao gồm Mỹ và Canada) ghi nhận trên 1,1 triệu ca mắc COVID-19 mới, tăng 6% so với tuần trước đó. Tuy nhiên, phần lớn các ca mắc đều được ghi nhận ở Mỹ. PAHO cho biết tổng số ca COVID-19 ở Nam Mỹ đã giảm 10,7% và số ca tử vong giảm 6,3% trong tuần đó.
Bolivia là một ngoại lệ với số ca mắc tăng mạnh. Một số quốc gia khác ở vùng Caribe cũng ghi nhận số ca mắc tăng 16%.
Cùng với việc nhập khẩu vaccine, Mỹ Latinh hiện đang thúc đẩy mạnh việc sản xuất vaccine nội địa. Trong tháng này, Tổng Giám đốc PAHO Carissa Etienne đã hoan nghênh việc WHO phê duyệt vaccine AstraZeneca do Argentina và Mexico hợp tác sản xuất lần đầu tiên ở Mỹ Latinh.
“Đây là một cột mốc quan trọng đối với châu Mỹ Latinh và thể hiện rõ tầm quan trọng của việc chuyển giao công nghệ nhằm tăng cường sự sẵn có của vaccine COVID-19 chất lượng trong khu vực”, bà Etienne cho biết.