Câu chuyện người đàn ông tiêm 14 mũi vaccine COVID-19 ở Indonesia

Một người đàn ông sống tại Sulawesi (Indonesia) cho biết ông đã tiêm 14 mũi vaccine dưới danh nghĩa của những người không muốn tiêm chủng. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuẩn bị vaccine COVID-19 ở Indonesia. Ảnh: EPA

Theo báo bưu điện Hoa Nam buổi sáng, đầu tháng này, Abdul Rahim, sống tại Pinrang, Nam Sulawesi, đã đăng tải một video lên mạng xã hội, tuyên bố rằng ông đã tiêm 14 mũi vaccine Sinovac thay cho những người đang do dự không muốn tiêm chủng. Cùng với 2 mũi vaccine của mình, ông Rahim có thể đã được tiêm tổng cộng 16 mũi vaccine. 

Rahim cho biết ông được trả khoảng 7 – 56 USD cho mỗi mũi tiêm từ những người muốn có giấy chứng nhận tiêm chủng nhưng không muốn tiêm vaccine. Indonesia đã yêu cầu người dân xuất trình giấy chứng nhận tiêm vaccine khi đi du lịch hay đến những nơi công cộng như trung tâm mua sắm, quán cà phê và nhà hàng.

Cảnh sát địa phương và Bộ Y tế Indonesia cho biết họ đang điều tra các tuyên bố được đưa ra trong video và xem Rahim có vi phạm Luật bệnh truyền nhiễm của đất nước hay không. Theo luật, bất kỳ ai “làm ảnh hưởng đến việc thực hiện kiểm soát đại dịch” sẽ có thể bị phạt tù đến 1 năm và phạt tiền.

Cảnh sát Sulawesi đã triệu tập một số người mà Rahim nói rằng ông đã thay mặt họ đi tiêm hộ. Ba người bị triệu tập sau đó đã thừa nhận họ không muốn tiêm chủng vì sợ kim tiêm và lo tác dụng phụ. 

Câu chuyện của Rahim nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội Indonesia, nhưng không phải ai cũng ngạc nhiên trước những tuyên bố mà anh đưa ra. Dicky Budiman, nhà dịch tễ học tại Đại học Griffith, Australia, cho biết: “Đó không phải là điều ngạc nhiên đối với tôi vì tâm lý do dự và phản đối vaccine vẫn tồn tại ở Indonesia. Đó cũng là một trong những lý do tại sao tốc độ tiêm chủng của nước này đang có dấu hiệu chậm lại, đặc biệt là ngoài đảo Java”.

Chú thích ảnh
Trẻ em xếp hàng chờ tiêm vaccine tại một trường học ở Bali, Indonesia. Ảnh: AP

Donald, một doanh nhân 56 tuổi sống tại thành phố Medan trên đảo Sumatra của Indonesia, đã tiêm mũi vaccine Sinovac thứ hai vào tháng 7. Tuy nhiên, đến tháng 11, một người bạn gọi cho Donald và hỏi ông có muốn tiêm mũi thứ 3 hay không, Donald đã quyết định đi tiêm chủng. Điều này xảy ra ngay cả khi Bộ Y tế Indonesia không chính thức phân phối các mũi tiêm nhắc lại cho hầu hết người dân.

Donald đã tiêm mũi vaccine tăng cường tại văn phòng của bạn ông. Tại đây, y tá đã mang theo túi lạnh chứa đầy vaccine được cho là còn thừa từ một trung tâm y tế cộng đồng do chính phủ điều hành.  Theo nhân viên y tế này, nhiều người dân địa phương đã từ chối tiêm chủng. Mỗi trung tâm y tế tại Indonesia sẽ nhận được số lượng vaccine nhất định hàng ngày. Nếu không sử dụng hết số vaccine đó, nhân viên y tế sẽ được phép cung cấp cho những người sẵn sàng tiêm chủng.

“Tôi đã nghĩ rằng tại sao mình lại không tiêm chủng. Và tôi đã được tiêm qua ‘cửa sau’”, ông Donald nói.

Do nguồn cung thiếu hụt, chỉ nhân viên y tế mới được ưu tiên tiêm mũi tăng cường. Cho đến nay, nước này đã phân phối khoảng 1,2 triệu mũi vaccine nhắc lại cho những người được tiêm mũi thứ 2  ít nhất 6 tháng trước đó.

Vào tháng trước, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết nước này sẽ chỉ cung cấp mũi vaccine thứ tăng cường cho người dân khi 50% dân số đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine. Tính đến ngày 28/12, Indonesia vẫn chưa đạt được cột mốc đó. Theo số liệu của chính phủ, khoảng 110 triệu người - tức khoảng 41% dân số Indonesia - đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine

Chú thích ảnh
Người đàn ông tiêm vaccine COVID-19 ở Tangerang, gần Jakarta, Indonesia. Ảnh: Reuters

Câu chuyện của ông Donald cho thấy tinh trạng do dự đã làm phức tạp thêm động lực tiêm chủng ở một trong những nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Quốc gia này đã phải đối mặt với nhiều thách thức về mặt hậu cần, khiến việc đảm bảo cung cấp vaccine cho người dân sinh sống trên hơn 17.000 hòn đảo trở nên khó khăn.

“Thông điệp quan trọng từ  những vụ việc này là hệ thống tiêm chủng ở Indonesia cần siết chặt hơn”, Giáo sư Budiman nói và khuyến nghị chính quyền nên tăng cường việc xác nhận danh tính người dân trước khi tiêm chủng và khiếu nại nếu phát hiện bất kỳ điều gì bất thường.

Người Indonesia phải cung cấp bản sao giấy tờ tùy thân có ảnh để được tiêm phòng. Nhưng các phòng khám ở một số khu vực dường như không tuân theo những yêu cầu này, như trường hợp của Rahim và Donald. 

Cuộc tranh cãi xảy ra khi Indonesia ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên trong cộng đồng. Giới chức cho biết ca nhiễm đầu tiên nói trên là một người đàn ông 37 tuổi, ở thành phố Medan và đã đến một nhà hàng tại quận trung tâm ở thủ đô Jakarta đầu tháng này. Người đàn ông này không ra nước ngoài hay tiếp xúc với du khách nước ngoài trong thời gian gần đây. Người này không có triệu chứng mắc bệnh và đang được cách ly tại một bệnh viện ở thủ đô.

 “Với một ca nhiễm cộng đồng này, chúng tôi sẽ siết chặt các hạn chế đi lại, đặc biệt trong những ngày lễ Giáng sinh và năm mới,” bà nói và cho biết thêm vợ của bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính với Omicron.

Trong khi đó, Donald cho biết ông không hối hận về việc tiêm mũi tiêm nhắc lại bất hợp pháp và dự định tiêm liều vaccine thứ 4 khi có cơ hội.

“Nếu tôi được tiêm phòng, tôi không cảm thấy sợ hãi. Tôi cảm thấy mình sẽ không chết vì COVID-19. Tôi tin rằng nếu tôi được tiêm phòng thì cơ thể tôi sẽ đối phó được với virus. Đó là một điều tích cực. Tôi sẽ vô cùng sợ hãi nếu tôi không được tiêm phòng”, ông nói.

Hải Vân/Báo Tin tức
Elon Musk hứng chỉ trích vì vệ tinh Space X suýt va vào trạm vũ trụ Trung Quốc
Elon Musk hứng chỉ trích vì vệ tinh Space X suýt va vào trạm vũ trụ Trung Quốc

Bắc Kinh đã kêu gọi Liên Hợp quốc nhắc nhở Mỹ tuân thủ quy định về không gian vũ trụ sau khi vệ tinh do công ty hàng không vũ trụ SpaceX của ông trùm công nghệ Elon Musk phóng lên suýt va chạm với trạm vũ trụ của Trung Quốc 2 lần trong năm qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN