Quay cuồng vì COVID-19, châu Á còn gồng mình chống cúm gà H5N8

Người chăn nuôi ở châu Á đang chống chọi với đợt bùng phát dịch cúm gia cầm tồi tệ nhất nhiều năm. Virus H5N8 đang hủy diệt gà, vịt ở khắp các trang trại từ Nhật Bản đến Ấn Độ.

Châu Á lao đao

Hãng Reuters đưa tin kể từ tháng 11/2020, hơn 20 triệu con gà đã bị tiêu hủy ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuần trước, virus H5N8 có độc lực cao đã lan đến tận Ấn Độ, xuất hiện tại 10 bang của nước sản xuất thịt gia cầm lớn thứ 6 thế giới này. 

Chú thích ảnh
Giá thịt gà ở Ấn Độ đã giảm mạnh do tâm lý lo ngại của người dân. Ảnh: Getty Images

Các chuyên gia cho biết cúm gia cầm phổ biến ở châu Á vào thời điểm này trong năm do đặc tính di cư của chim chóc. Tuy nhiên, các chủng virus mới đã phát triển để trở nên chết chóc hơn, khiến những quốc gia nằm trên đường bay của chim hoang dã dễ bị tấn công hơn.

"Đây là một trong những đợt bùng phát tồi tệ nhất từng thấy ở Ấn Độ. Mọi người sợ quạ bị bệnh. Họ biết chúng bay xa và nghĩ rằng chúng sẽ lây nhiễm cho gia cầm hoặc thậm chí cả con người", ông Mohinder Oberoi, chuyên gia thú y và là cựu cố vấn của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết.

Vụ bùng phát ở châu Á xảy ra khi châu Âu cũng đang hứng chịu đợt cúm gia cầm tồi tệ nhất trong nhiều năm, và liền sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tình trạng này đã làm ảnh hưởng đến doanh số bán gia cầm tại một số nơi vì lo ngại dịch bệnh nhưng giờ đang được thúc đẩy do người dân có nhu cầu nấu ăn tại nhà nhiều hơn.

Giá thịt gà ở Ấn Độ đã giảm gần 1/3 trong tuần trước vì sự cảnh giác của người tiêu dùng. Họ ngày càng lo lắng về dịch bệnh kể từ sau khi COVID-19 xuất hiện nên tránh ăn thịt gà. 

Ông Uddhav Ahire, Chủ tịch công ty gia cầm Anand Agro Group, cho biết con người không bị lây nhiễm cúm gia cầm khi ăn thịt chúng, cũng như virus H5N8 được cho là chưa bao giờ lây nhiễm sang người. Thế nhưng, người tiêu dùng vẫn lo sợ. Giá gà sống đã giảm còn 58 rupee/1kg (khoảng 18.000 đồng), dưới mức giá sản xuất. 

Tại Hàn Quốc và Nhật Bản, cơ quan chức năng chưa ghi nhận tác động của dịch cúm gà đối với thị trường. Nhu cầu mua thịt gà tăng mạnh do người dân muốn nấu ăn tại nhà nhiều hơn giữa thời kì phong tỏa. 

Sự tiến hóa của virus

Sự lây lan nhanh chóng và rộng khắp về mặt địa lý của các đợt bùng dịch cúm gia cầm mới nhất đã khiến nó trở thành một trong những đợt bùng phát tồi tệ nhất ở châu Á kể từ đầu những năm 2000.

Tại Nhật Bản, ổ dịch đầu tiên xuất hiện tại tỉnh Chiba nay đã lan đến tận thành phố Miyazaki nằm trên hòn đảo Kyushu cách đó 1.000km trong vòng 2 tháng. Trong khi đó, các ổ dịch cúm gà mới vẫn tiếp tục nổ ra. 

Chú thích ảnh
Các nhân viên y tế khử trùng trang phục bảo hộ sau khi đến một trại gà nhiễm bệnh ở Mitoyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Một quan chức thú y của Bộ Nông nghiệp Nhật Bản cho biết: “Chúng tôi không thể khẳng định nguy cơ lan rộng dịch cúm gia cầm đã giảm bớt vì mùa di cư của chim hoang dã còn kéo dài cho đến tháng 3, hay thậm chí là tháng 4 tùy loài”.

Theo ông Filip Claes, người đứng đầu Trung tâm Dịch bệnh Động vật xuyên biên giới (ECTAD) thuộc FAO, chủng virus H5N8 phát hiện tại Nhật Bản và Hàn Quốc rất giống với chủng virus hoành hành tại châu Âu năm 2019. Chúng tiến hóa từ các virus phổ biến 5 năm trước đó. 

Một chủng virus khác đang lây lan tại châu Âu từ cuối năm 2020 cũng gây thiệt hại to lớn. Bà Holly Shelton, chuyên gia về cúm mùa tại Viện Pirbright của Anh, cho biết các chủng virus mới đang gây thiệt hại nhiều hơn và trở nên “sát thủ” hơn đối với các loài chim hoang dã. “Rõ ràng là loại vi rút này đã tự hình thành trong quần thể chim hoang dã. Do vậy, giờ đây chúng có xu hướng lan tràn vào các trang trại gia cầm”, bà nhận định. 

Việc bắt buộc tiêm phòng vaccine cúm cho gia cầm ở Trung Quốc đã bảo vệ quốc gia chăn nuôi hàng đầu khu vực, mặc dù virus tiếp tục giết chết những con thiên nga hoang ở đó.

Là nước sản xuất thịt gia cầm lớn thứ hai châu Á, Indonesia chỉ là một điểm dừng chân tạm thời của loài chim hoang nên chịu ít nguy cơ lây nhiễm. Dù vậy, quốc gia này đã cấm nhập khẩu gia cầm sống từ những nước có chủng H5N8 cũng như thiết lập một hệ thống giám sát nhằm phát hiện sớm virus này. 

Do không nằm trong đường bay di cư của chim tại khu vực Đông Nam Á, các quốc gia như Việt Nam, Lào và Campuchia cho đến nay không bị bùng phát dịch cúm H5N8, nhưng vẫn đối mặt với rủi ro từ hoạt động di chuyển của người và hàng hóa. Bà Holly Shelton dự báo: “Nó sẽ tiếp tục lây lan cho đến khi một loại virus khác xuất hiện để thay thế nó”.

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Trên 20.000 dân làng Trung Quốc được di dời tới khu cách ly phòng COVID-19
Trên 20.000 dân làng Trung Quốc được di dời tới khu cách ly phòng COVID-19

Trên 20.000 người dân tại 12 làng thuộc huyện Cảo Thành, thành phố Thạch Gia Trang (tỉnh Hà Bắc) đã được di dời tới các khu cách ly.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN