Quản lý rủi ro thiên tai để mở cánh cửa phát triển bền vững 

Các hiện tượng thời tiết cực đoan đã gia tăng gấp đôi trong vòng 20 năm, những thảm họa liên quan đến khí hậu cũng tăng đột biến, từ hơn 4.000 vụ trong giai đoạn 1980-1999 lên 7.348 vụ trong giai đoạn 2000-2019.

Chú thích ảnh
Một hồ nước khô cạn do nắng nóng kéo dài tại Ajmer, Ấn Độ ngày 2/6/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Báo cáo của Văn phòng Liên hợp quốc về giảm thiểu rủi ro thiên tai (UNDRR), công bố nhân Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai 13/10, một lần nữa nhấn mạnh tính cấp bách của vấn đề này, khi những tác động của thiên tai đang trở nên tàn khốc hơn do cuộc khủng hoảng COVID-19. Báo cáo cũng chỉ rõ biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính làm gia tăng hiện tượng thời tiết cực đoan gây thảm họa thiên tai, và nắng nóng sẽ là mối nguy hiểm lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt trong thập niên tới. Thực tế này khiến vấn đề quản lý rủi ro thiên tai và tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng quan trọng đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia cũng như toàn thế giới. 

Những năm gần đây, thiên tai trên thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, cực đoan, bất thường, gây thiệt hại nặng nề về vật chất và sinh mạng con người. Theo UNDRR, tần suất các hiện tượng thời tiết cực đoan liên quan tới biến đổi khí hậu, trong đó có lũ lụt, mưa bão, hạn hán... gia tăng đáng kể trong 20 năm qua đã khiến 1,23 triệu người thiệt mạng, ảnh hưởng đến cuộc sống của 4,2 tỷ người và gây thiệt hại kinh tế 2.970 tỷ USD. So sánh giai đoạn 2000-2019 với giai đoạn 20 năm trước đó, số đợt lũ lụt lớn tăng hơn gấp đôi lên 3.254 đợt. Số lượng các cơn bão lớn tăng từ con số 1.457 lên 2.034. Riêng năm ngoái, thế giới đối mặt với 820 thảm họa tự nhiên, gây tổng thiệt hại 150 tỷ USD và cướp đi sinh mạng của khoảng 9.000 người.

Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, khiến 40 triệu người nhiễm, hơn 1 triệu người tử vong và tác động đến tất cả mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội toàn thế giới, thiên tai vẫn hoành hành và làm trầm trọng thêm những thiệt hại mà virus SARS-CoV-2 gây ra. Tại châu Á, khu vực hứng chịu nhiều thiên tai nhất trong 20 năm qua, cũng được dự báo là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất do thiên tai trong thập niên tới, lũ lụt nghiêm trọng ở Trung Quốc hết đợt này tới đợt khác kéo dài từ tháng 7 tới tháng 8 vừa qua khiến nhiều địa phương phải nâng mức phản ứng khẩn cấp lên cao nhất. Giới chuyên gia cảnh báo lũ lụt năm nay ở Trung Quốc không phải một thảm họa thiên nhiên đơn lẻ, mà gồm hàng loạt đợt lũ nhỏ hơn diễn ra dàn trải, khiến số thương vong tăng mạnh. 

Chỉ trong hơn 1 tháng qua, gần 50% diện tích đất nước Bangladesh chìm trong đợt lũ lụt kéo dài nhất trong hơn hai thập niên qua, khiến trên 5 triệu người bị mất nhà cửa; hầu hết các bang của Ấn Độ chịu cảnh ngập lụt, buộc hơn 8 triệu người phải sơ tán, càng làm tăng thêm những khó khăn của người dân đang bị mất kế sinh nhai vì COVID-19. Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... cũng ứng phó với các trận thiên tai gây thiệt hại nặng nề.

Tại Việt Nam, tuy không diễn ra dồn dập và khốc liệt, nhưng thiên tai ngày càng mang nhiều yếu tố cực đoan. Từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 16 loại hình thiên tai. Đặc biệt, trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 6 gây mưa lớn, ngập lụt tại miền Trung và Tây Nguyên đã khiến ít nhất 18 người thiệt mạng, 14 người mất tích và nhiều người bị thương, hơn 150 nghìn ngôi nhà sập đổ, bị ngập, hư hỏng nặng. Hàng nghìn ha hoa màu bị nhấn chìm trong biển nước, hàng trăm hồ thủy lợi lớn nhỏ bị đe dọa, nhiều tuyến giao thông huyết mạch bị chia cắt. Nhiều tỉnh miền Trung đối mặt với nguy cơ “lũ chồng lũ”...

Chú thích ảnh
Nhà cửa bị nước lũ nhấn chìm tại tỉnh Kumamoto, Nhật Bản ngày 4/7/2020. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Những thảm họa khí hậu như vậy đang tạo thêm áp lực đối với các nước, trong bối cảnh cả thế giới phải gồng mình đối phó với cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 "một trăm năm mới xảy ra một lần", đẩy nền kinh tế toàn cầu tới bên bờ vực suy thoái. Trước đó, LHQ cũng thống kê thiệt hại kinh tế trực tiếp do các thảm họa liên quan tới khí hậu đã tăng tới 250% trong 20 năm qua.

Chuyên gia Debarati Guha-Sapir ở Trung tâm Nghiên cứu về dịch tễ học do thiên tai tại Đại học Louvain, Bỉ, cảnh báo nhân loại sẽ đối mặt với một tương lai “rất mờ mịt” nếu các hiện tượng thời tiết cực đoan tiếp tục gia tăng theo cấp độ này trong 20 năm tới. Khi đó, thêm nhiều người sẽ trở thành nạn nhân của tình trạng khẩn cấp về khí hậu. 

Trước thực tế đáng báo động này, chủ đề của Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai năm nay là “Quản lý rủi ro thiên tai", bởi quản trị tốt chính là con đường giảm thiểu rủi ro hiệu quả, trong khi quản trị yếu kém được coi như một yếu tố làm gia tăng mức độ rủi ro thiên tai. Chủ đề này còn nhằm truyền tải thông điệp rằng, rất nhiều thảm họa có thể phòng tránh nếu các nước có một chiến lược giảm thiểu rủi ro thiên tai để quản lý và giảm mức độ của các rủi ro đang hiện hữu, cũng như tránh tạo gây ra những rủi ro mới. 

Đặc phái viên Tổng Thư ký LHQ về giảm thiểu rủi ro thiên tai, người đứng đầu UNDRR Mami Mizutori khẳng định: “bài học từ thảm họa tồi tệ nhất cho tới nay của thế kỷ 21 là nếu không tăng cường quản lý rủi ro thiên tai để đối mặt với thách thức của các mối đe dọa hiện hữu, chúng ta sẽ lặp lại sai lầm đã mắc phải trong 8 tháng qua, vốn phải trả giá bằng rất nhiều sinh mạng và gây thiệt hại sức khỏe, kinh tế, phúc lợi xã hội của hàng triệu người. Nếu muốn để lại một hành tinh kiên cường hơn cho các thế hệ tương lai, đã đến lúc để nâng tầm kế hoạch.”

Chính cuộc khủng hoảng COVID-19 càng cho thấy rõ hơn tầm quan trọng của quản lý rủi ro trong kiểm soát đại dịch, nhất là khi hệ thống giảm thiểu rủi ro có khả năng phân tích rủi ro, nhận diện điểm yếu và điểm mạnh trong các lĩnh vực khác, điều mà riêng lĩnh vực y tế không làm được. Cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 và tình trạng khẩn cấp về khí hậu đã chứng tỏ rằng cần có tầm nhìn, kế hoạch rõ ràng. Điều này đòi hỏi cần có các chiến lược quốc gia và địa phương để giảm thiểu rủi ro thiên tai, thực hiện Khung hành động Sendai được Đại hội đồng LHQ ban hành năm 2015. Thế giới cần những chiến lược giải quyết không chỉ các nguy cơ đơn lẻ như bão tố hay lũ lụt, mà cần ứng phó với các rủi ro có tính hệ thống do các bệnh truyền nhiễm từ động vật, các cú sốc khí hậu và đổ vỡ môi trường. 

Bên cạnh đó, quản lý rủi ro thiên tai đang bước vào giai đoạn quan trọng, không chỉ vì đại dịch COVID-19 đã tạo ra "bài sát hạch bất ngờ" mà năm nay cũng là năm kết thúc Mục tiêu E của Khung hành động Sendai về giảm thiểu rủi ro thiên tai (2015-2030), trong đó kêu gọi “tăng đáng kể số lượng các nước có chiến lược quốc gia và địa phương để giảm thiểu rủi ro vào năm 2020". 

Quản lý rủi ro thiên tai tốt có thể được đo lường bằng những sinh mạng được cứu sống, giảm bớt số nạn nhân của thiên tai và giảm thiệt hại kinh tế. Đã có nhiều bằng chứng cho thấy, quản trị rủi ro thiên tai tốt bắt nguồn từ sự hợp tác và liên minh giữa các cơ chế và thể chế nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai và mở đường hướng tới phát triển bền vững. Khoa học và công nghệ cũng trở thành đồng minh quan trọng của quản trị rủi ro tốt. Việc thu thập dữ liệu và thông tin cho phép xây dựng các dự báo về các mối đe dọa và các kịch bản rủi ro, nhằm giảm tác động của thiên tai. 

Chú thích ảnh
Nhiều phương tiện bị ngập trong bùn đất sau những trận mưa lớn do ảnh hưởng của bão Alex tại Breil-sur-Roya, đông nam nước Pháp, ngày 4/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong thông điệp nhân Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai năm nay, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng, đại dịch COVID-19 đã tăng thêm sự chú ý đối với tầm quan trọng của việc tăng cường giảm thiểu rủi ro thiên tai, đồng thời cũng cho thấy, rủi ro hệ thống đòi hỏi sự hợp tác quốc tế, đòi hỏi cam kết chính trị ở cấp cao nhất để thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững và Khung hành động Sendai về giảm thiểu rủi ro thiên tai. 

LHQ nhấn mạnh cần phòng ngừa thiên tai, chứ không chỉ phản ứng. Con người không thể ngăn chặn thiên tai, nhưng có thể ngăn nó biến thành một thảm họa, bằng cách giảm thiểu tác động, nghiên cứu về nguy cơ, hợp tác với nhau, xem xét các chính sách và giúp cộng đồng có khả năng chống chọi tốt hơn. Tăng cường đầu tư, quy hoạch đô thị tốt hơn, nâng cao nhận thức, cập nhật kiến thức khoa học, giáo dục, sự tham gia của cộng đồng… sẽ giúp cứu sống nhiều sinh mạng và tiết kiệm tiền bạc. Mỗi lựa chọn của con người đều sẽ quyết định thế giới sẽ trở nên kiên cường hơn hay dễ bị tổn thương hơn trước thiên tai, như người đứng đầu Văn phòng UNDRR tại khu vực châu Mỹ - Caribe, ông Raúl Salazar đã khẳng định: “Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm giảm thiểu rủi ro thiên tai, đây là chìa khóa cho sự thành công của các Mục tiêu Phát triển bền vững”. Nói cách khác, xây dựng hệ thống quản lý tốt rủi ro thiên tai sẽ góp phần đảm bảo một tương lai thịnh vượng và an toàn.

Phương Thịnh (TTXVN)
Cảnh báo xu hướng thời tiết cực đoan nhìn từ thực trạng lũ lụt Trung Quốc
Cảnh báo xu hướng thời tiết cực đoan nhìn từ thực trạng lũ lụt Trung Quốc

Tổ chức Hòa bình xanh cảnh báo các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn kéo dài gây ra lũ lụt sẽ trở thành một điều bình thường mới đối với cuộc sống con người trong tương lai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN