Ngày 31/10, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba đã bác bỏ khả năng sớm tiến hành cuộc gặp cấp cao giữa Nhật Bản và Trung Quốc giải quyết bế tắc trong tranh chấp chủ quyền quần đảo ở biển Hoa Đông mà Tokyo gọi là Senkaku còn Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Ngoại trưởng Nhật Bản nói rằng "thời gian chưa chín muồi" cho hội đàm cấp cao Nhật-Trung và hiện ông không có kế hoạch tham dự Hội nghị Á-Âu tại Lào vào tuần tới cũng như các hội nghị liên quan tới ASEAN trong tháng tới ở Campuchia.
Theo các nguồn tin, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda và người đồng cấp Trung Quốc Ôn Gia Bảo sẽ không hội đàm song phương bên lề Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM) tại Lào ngày 5-6/11 và cũng sẽ không gặp nhau bên lề các hội nghị liên quan tới ASEAN tại Campuchia vào giữa tháng 11 tới. Theo báo Nhật Bản "Yomiuri", tại hội nghị ASEM sắp tới, Thủ tướng Nhật Bản sẽ nêu vấn đề tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, cũng như tranh chấp giữa Nhật Bản và Hàn Quốc về chủ quyền quần đảo mà Nhật Bản gọi là Takeshima và Hàn Quốc gọi là Dokdo.
Tàu hải giám Trung Quốc tại khu vực gần quần đảo tranh chấp hôm 25/10. Ảnh: AFP-TTXVN |
Cùng ngày 31/10, Diễn đàn Quốc phòng Tokuo thường niên (TDF) khai mạc tại thủ đô của Nhật Bản mà không có sự tham dự của Trung Quốc. Trong diễn văn khai mạc, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto cho biết diễn đàn sẽ tiếp tục thảo luận vai trò của Mỹ tại khu vực trong đối phó với các thách thức, đồng thời ông kêu gọi các nước trong khu vực hợp tác để đối mặt với những thách thức mới về an ninh và duy trì sự ổn định hòa bình của khu vực. Phát biểu với các phóng viên sau diễn văn khai mạc, Bộ trưởng Morimoto cho biết phía Nhật Bản đã có ý định trao đổi một số quan điểm với Trung Quốc tại diễn đàn quốc tế này, song phía Trung Quốc đã không tham dự. Báo chí Nhật Bản đưa tin sự vắng mặt của Trung Quốc tại diễn đàn TDF năm nay là do căng thẳng giữa hai nước liên quan đến tranh chấp lãnh hải.
Diễn đàn TDF do Bộ Quốc phòng Nhật Bản tổ chức hàng năm từ năm 1996, với mục đích góp phần vào ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương thông qua việc tạo một diễn đàn để các quan chức quốc phòng các nước trao đổi ý kiến hoặc giao lưu quốc phòng trong khu vực.
Khủng hoảng ngoại giao giữa Tokyo và Bắc Kinh gia tăng nghiêm trọng sau khi Nhật Bản mua 3 trong số 5 đảo thuộc quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Kể từ thời điểm đó, Trung Quốc thường xuyên điều tàu hải giám và ngư chính đi vào vùng biển tiếp giáp chuỗi đảo này, làm gia tăng quan ngại về nguy cơ bùng nổ một cuộc đối đầu Trung-Nhật ở Hoa Đông, đẩy khu vực Đông Bắc Á rơi vào bất ổn.
TTXVN/Tin tức