Quan hệ Mỹ - Israel lại bùng nổ mâu thuẫn

Trong một dấu hiệu phản ánh chiều hướng khó khăn hơn của tiến trình đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestin, ngày 14/1, Mỹ và đồng minh Israel đã công khai lên tiếng chỉ trích lẫn nhau xung quanh nỗ lực đàm phán hòa bình này.

Tại Jerusalem, Tổng thống Israel Shimon Peres (phải) có cuộc gặp với Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đang ở Israel, dự lễ tang cựu Thủ tướng Israel Ariel Sharon. Ảnh: AFP-TTXVN


Trong phát biểu của mình,  nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jennifer Psaki cho rằng lời cáo buộc của Bộ trưởng Quốc phòng Israrel Moshe Yaalon về nỗ lực thúc đẩy hòa đàm mà Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã vất vả theo đuổi trong một năm qua là “gây hấn và không thích hợp” với vai trò là một bộ trưởng của một đồng minh thân cận.

Theo người phát ngôn, Ngoại trưởng Kerry và các cộng sự của ông đã và đang làm việc ngày và đêm để thúc đẩy một hiệp định hòa bình bảo đảm cho tương lai và an ninh của Israel. Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cũng khẳng định lời phát biểu của ông Yaalon là không thỏa đáng.

Trước những phản ứng mạnh từ phía Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yaalon ngay sau đó đã lên tiếng xin lỗi Ngoại trưởng Kerry. Trong một tuyên bố, ông Yaalon nêu rõ: “Ông không có ý định tạo ra bất kỳ sự công kích nào với Ngoại trưởng Mỹ và ông xin lỗi nếu Ngoại trưởng Kerry bị xúc phạm vì những phát ngôn này”.

Người đứng đầu bộ Quốc phòng Israel cũng khẳng định Tel Aviv và Washington chia sẻ mục tiêu chung nhằm thúc đẩy các vòng đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine mà Ngoại trưởng Kerry là người có công xúc tiến.

Trước đó, trong bài phát biểu đăng trên tờ “Yediot Aharonot” của Israel, Bộ trưởng Quốc phòng Yaalon cáo buộc Ngoại trưởng Kerry đưa ra những đề xuất hòa bình hoàn toàn mang tính chủ quan của một người ngoài cuộc, đồng thời khẳng định các đề xuất như vậy sẽ không mang lại an ninh cũng như hòa bình cho Israel.

Quan chức Israel này thậm chí còn mỉa mai “bày tỏ hy vọng” rằng ông Kerry, người đã thăm Trung Đông 10 lần kể từ khi nhậm chức Ngoại trưởng tháng hai năm ngoái, “sẽ chấm dứt nỗ lực thúc dẩy hòa bình này để tập trung sức lực cho những khu vực khác”.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel đặc biệt chỉ trích đề xuất của ông Kerry sử dụng các thiết bị công nghệ cao dọc tuyến biên giới giữa Israel với một nhà nước Palestin trong tương lai để giảm bớt sự hiện diện của binh lính Israel là một ý tưởng “ngây thơ” không thể giúp Israel ngăn chặn sự thâm nhập của các nhóm thánh chiến Hồi giáo.

Tel Aviv và Washington lời qua tiếng lại với nhau giữa lúc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tối 13/1 đã hội đàm với Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, hiện đang có mặt tại Israel để dự lễ tang cố Thủ tướng nước này Ariel Sharon.

Tại cuộc hội đàm, ông Biden khẳng định Tổng thống Barack Obama hoàn toàn ủng hộ sáng kiến của Ngoại trưởng Kerry về việc đạt được thỏa thuận thành lập hai nhà nước, nhưng bên cạnh đó cũng không quên nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc đảm bảo an ninh ở Israel đối với nước Mỹ.


TTXVN/Tin tức
Mỹ sẽ bán máy bay Osprey cho Israel
Mỹ sẽ bán máy bay Osprey cho Israel

Lầu Năm Góc có kế hoạch bán 6 trực thăng quân sự Osprey cho Israel trong một thỏa thuận đã kéo dài từ lâu trị giá 1,13 tỷ USD.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN