Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cho biết giai đoạn thử nghiệm đối với tên lửa Zircon đang hoàn tất và vũ khí hiện đại này sẽ sớm được đưa vào phiên chế trong quân đội ngay trong năm 2022. Nga cũng sẽ đầu tư khoảng 3,5 tỉ USD để nâng cấp kho vũ khí trong một vài năm tới.
“Đến năm 2026, số lượng vũ khí chính xác, vũ khí tầm xa sẽ tăng 30% và nguồn cung tên lửa hành trình với nhiều chủng loại khác nhau sẽ tăng gấp đôi. Trong năm 2022, Nga cũng đưa 21 tổ hợp tên lửa đạn đạo vào làm nhiệm vụ chiến đấu”, ông Shoigu nói.
Zircon là tên lửa hành trình siêu vượt âm được thiết kế để tạo ra uy lực áp đảo trên biển gắn với kịch bản kiềm chế tàu sân bay bay đối phương trong trường hợp thực thực chiến. Zircon có thể bay với tốc độ Mach-9, tức gấp 9 lần tốc độ âm thanh, tương đương với 10.000 km/giờ. Giới chức hải quân Nga cho biết Zircon có khả năng tấn công các nhóm tàu sân bay của đối phương từ xa mà không bị đánh chặn. Tốc độ của Zircon kết hợp với cấu tạo giảm tiết diện về radar sẽ giúp tên lửa này tấn công hiệu quả tàu sân bay và được coi là tên lửa “sát thủ tàu sân bay”.
Hồi tháng 11 vừa qua, giới chức Nga thông báo quân đội nước này đã thử thành công một loạt vụ phóng Zircon. Được phóng từ tàu đô đốc Gorshkov trên Biển Trắng, tên lửa đã đánh trúng mục tiêu trên biển ở khoảng cách 400 km. Tàu ngầm hạt nhân Severodvinsk hôm 4/10 cũng khai hỏa thành công tên lửa Zircon trong trạng thái nổi và lặn dưới biển.
Nga dự kiến trang bị tên lửa siêu vượt âm này cho hàng loạt chiến hạm mặt nước và tàu ngầm, nhờ khả năng dùng chung bệ phóng thẳng đứng với tên lửa hành trình Kalibr và tên lửa diệt hạm Oniks trong biên chế hiện nay.
Nga gần đây phát triển nhiều loại vũ khí tối tân với mục tiêu giành lợi thế trong các cuộc chạy đua vũ trang hoặc xung đột với Mỹ và phương Tây. Ngoài các "siêu vũ khí" như Zircon, Nga còn chế tạo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat và tên lửa hành trình dùng động cơ năng lượng hạt nhân Burevestnik.