Quân đội Mỹ sơ suất gửi 'thư nháp' thông báo chuẩn bị rút khỏi Iraq

Ngày 6/1, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Mỹ tại Iraq, tướng William Seely đã gửi thư tới những người đồng cấp tại Baghdad thông báo lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu đang chuẩn bị "di chuyển ra khỏi Iraq".

Chú thích ảnh
Binh sĩ Mỹ làm nhiệm vụ tại Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad, Iraq, ngày 31/12/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bức thư gửi tới quân đội Iraq, tướng William Seely của Mỹ nêu rõ: “Chúng tôi tôn trọng quyết định chủ quyền của các bạn khi yêu cầu chúng tôi ra đi… Để thực hiện nhiệm vụ này, liên quân đã được yêu cầu có các biện pháp thích đáng nhằm đảm bảo cho việc di chuyển ra khỏi Iraq diễn ra an toàn và hiệu quả”.

Lá thư cũng thông báo các máy bay trực thăng có thể bay vào và ra khỏi “vùng Xanh” ở Baghdad, nơi có tòa Đại sứ quán Mỹ, như một phần cho công tác chuẩn bị.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley ngay sau đó thông báo đây chỉ là một lá thư “nháp” và được gửi đi do sơ suất. Ông Milley nói: “Đây là một sai sót, một sai sót nghiêm trọng, chỉ là một lá thư chưa được ký. Chúng tôi đang di chuyển lực lượng trong khu vực”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cũng tuyên bố lá thư được gửi trái với quan điểm của Lầu Năm Góc, song từ chối nêu rõ liệu đã có quyết định rút quân khỏi Iraq hay chưa.

Cùng ngày 6/1, truyền thông khu vực dẫn lời Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi kêu gọi Mỹ cùng phối hợp thực hiện nghị quyết mà Quốc hội Iraq đã thông qua trước đó nhằm rút các lực lượng nước ngoài khỏi quốc gia Trung Đông này.

Theo văn phòng Thủ tướng Iraq, lời đề nghị được ông Mahdi nêu ra với Đại sứ Mỹ tại Baghdad Matthew Tueller, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác chung giữa hai nước nhằm triển khai hoạt động rút các lực lượng nước ngoài khỏi Iraq, tương ứng với nghị quyết mà Quốc hội nước này đã thông qua, đồng thời xây dựng quan hệ với Mỹ dựa trên một nền tảng phù hợp.

Thủ tướng Mahdi cũng nêu bật tình hình nguy hiểm hiện tại và các hệ quả chính trị, khẳng định Iraq đang làm mọi thứ để ngăn chặn nguy cơ bị kéo vào một cuộc chiến tranh.

Thủ tướng Iraq ngày 6/1 cũng đã trao đổi với người đồng cấp Đức Angela Merkel về nghị quyết của Quốc hội Iraq, yêu cầu quân đội nước ngoài phải rời khỏi quốc gia này. Thủ tướng Đức bày tỏ lập trường ủng hộ đối với tình hình an ninh và ổn định của Iraq, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục hợp tác giữa Iraq và các nước Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc chiến chống khủng bố.

Ngày 5/1, Quốc hội Iraq đã thông qua một nghị quyết, trong đó nhấn mạnh chính phủ nước này phải chấm dứt sự hiện diện của binh sĩ nước ngoài tại Iraq và đảm bảo rằng quân đội nước ngoài không sử dụng lãnh thổ, không phận và lãnh hải Iraq vì bất cứ lý do gì.

Quốc hội Iraq thông qua nghị quyết trên sau khi lực lượng Mỹ ngày 3/1 tiến hành không kích vào sân bay quốc tế ở thủ đô Baghdad, làm Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Tướng Qassem Soleimani và chỉ huy lực lượng dân quân Hashed al-Shaabi của Iraq, al-Husssaini thiệt mạng.

Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi nêu rõ cuộc không kích sân bay Baghdad là một hành động gây hấn nhằm vào Iraq và vi phạm chủ quyền nước này, sẽ dẫn tới nguy cơ chiến tranh tại Iraq, trong khu vực cũng như trên thế giới.

Ông Mahdi cũng nói thêm rằng cuộc tấn công này vi phạm các điều kiện đối với sự hiện diện của Mỹ tại Iraq và cần phải được xử lý bằng luật pháp để đảm bảo an ninh và chủ quyền.

Ngọc Biên (TTXVN)
Vụ sân bay Baghdad bị không kích: Đe dọa trừng phạt Iraq sẽ 'không mấy hữu ích'
Vụ sân bay Baghdad bị không kích: Đe dọa trừng phạt Iraq sẽ 'không mấy hữu ích'

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 6/1 nhận định, việc đe dọa trừng phạt Iraq sẽ "không mấy hữu ích".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN