Theo đài Sputnik (Nga), phát biểu tại cuộc thảo luận do Viện Aspen tổ chức hôm 18/7, Đô đốc Aquilino cho hay dù sở hữu tên lửa có thể vươn tới Mỹ, nhưng vẫn còn nhiều hoài nghi về việc tên lửa này có thể mang đầu đạn hạt nhân hay không.
“Khả năng tên lửa mà Triều Tiên trình diễn vài ngày trước đã chứng minh điều đó. Chúng tôi đánh giá tên lửa này có thể vươn tới đất Mỹ”, ông nói và cho biết Mỹ vẫn đang đánh giá năng lực hạt nhân của Triều Tiên.
Hôm 12/7, Triều Tiên đã phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-18 về phía vùng biển Nhật Bản. Theo Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS), tên lửa được phóng theo góc cao và bay xa khoảng 1.000 km trước khi lao xuống vùng biển Nhật Bản.
Trong diễn biến liên quan, sáng ngày 19/7, truyền thông đưa tin Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa đạn đạo về khu vực bờ biển phía đông nước này. Theo một số nguồn tin, cả 2 tên lửa có khả năng rơi xuống biển Nhật Bản nhưng ngoài vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Cả 2 tên lửa đầu tiên đều đạt độ cao 50 km và có tầm bắn khoảng 550 – 600 km.
Vụ phóng tên lửa này diễn ra sau khi Mỹ và Hàn Quốc tổ chức cuộc họp đầu tiên của Nhóm tư vấn hạt nhân tại Seoul nhằm củng cố cam kết răn đe mở rộng của Washington với toàn bộ khả năng quân sự – bao gồm cả vũ khí hạt nhân – để bảo vệ đồng minh.
Cuộc họp này diễn ra cùng thời điểm tàu ngầm tên lửa đạn đạo USS Kentucky của Mỹ đến căn cứ hải quân Busan, cách Seoul 320 km về phía đông nam. Đây là lần đầu tiên tàu ngầm chiến lược của Mỹ cập cảng Hàn Quốc sau 4 thập kỷ, sau khi tàu ngầm USS Robert E. Lee đến Hàn Quốc vào tháng 3/1981.
JCS lên án vụ phóng tên lửa mới nhất là hành động khiêu khích gây tổn hại đến hòa bình không chỉ trên bán đảo Triều Tiên mà còn trong cộng đồng quốc tế, là hành động vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương của Mỹ cùng ngày cho biết, các vụ phóng dường như không gây ra mối đe doạ ngay lập tức với Mỹ cũng như các đồng minh, song một lần nữa cho thấy tác động gây bất ổn của chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.