Quan chức Fed: Không cần vội vàng cắt giảm lãi suất

Chủ tịch chi nhánh Atlanta của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), ông Raphael Bostic cho hay ngân hàng trung ương này không chịu áp lực khẩn cấp trong việc cắt giảm lãi suất do nền kinh tế và thị trường việc làm vẫn tăng trưởng khỏe mạnh.

Chú thích ảnh
Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ở Washington, DC, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Trong bài bình luận của mình, ông Bostic vẫn cho rằng việc Fed thông qua hai đợt cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào cuối năm nay là khả thi và phù hợp. Tuy nhiên, Fed cũng đang có gắng đảm bảo rằng sức mạnh kinh tế hiện tại không phát triển thành “bọt nước” và tạo nên một đợt lạm phát mới.

Ông cho hay trước khi cắt giảm lãi suất, ông muốn thấy nhiều tiến bộ hơn để hoàn toàn tin tưởng rằng lạm phát đang trên con đường chắc chắn đạt mức trung bình 2%. Tin tốt là thị trường lao động và nền kinh tế đang tăng trưởng khả quan, giúp Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) có khả năng đưa ra các chính sách mà không chịu áp lực phải hành động nhanh chóng.

Ông Bostic nói rằng một khi việc cắt giảm lãi suất bắt đầu, ông không hình dung chúng sẽ diễn ra liên tiếp, với tốc độ tùy thuộc vào cách những người tham gia thị trường, lãnh đạo doanh nghiệp và các hộ gia đình phản ứng.

Tại cuộc họp ngày 19-20/3 sắp tới, Fed dự kiến sẽ duy trì lãi suất chuẩn trong khoảng 5,25-5,5%. Đồng thời, ngân hàng trung ương này sẽ đưa ra các dự báo cập nhật về triển vọng lãi suất năm nay trong bối cảnh lạm phát đang giảm.

Các nhà đầu tư hiện đang mong đợi một đợt cắt giảm lãi suất vào tháng Sáu. Nhưng thời điểm đó có thể thay đổi nếu lạm phát chững lại, hoặc thị trường việc làm và tiền lương tiếp tục vượt kỳ vọng.

Về cơ bản, ông Bostic dự kiến lạm phát sẽ "từ từ" quay trở lại mục tiêu của Fed mà không gây thiệt hại lớn cho thị trường việc làm hoặc tăng trưởng.

Tuy nhiên, vẫn khó có thể đảm bảo kết quả đó. Ông nhấn mạnh còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát.

Đặc biệt, ông Bostic bày tỏ lo ngại rằng giá của một loạt mặt hàng vẫn đang tăng với tốc độ hơn 5% hàng năm. Ông Bostic cho biết các cuộc đàm phán gần đây với các lãnh đạo doanh nghiệp khiến ông vừa cảm thấy tin tưởng rằng nền kinh tế vẫn mạnh mẽ, đồng thời lại lo ngại về một làn sóng nhu cầu mới.

Theo ông, nhiều doanh nghiệp tuy đang tạm dừng nhưng sẵn sàng triển khai đầu tư và tăng cường tuyển dụng khi đến thời điểm thích hợp. Nếu kịch bản đó diễn ra trên quy mô lớn, nó có khả năng tạo ra một đợt bùng nổ nhu cầu mới và Fed cần chú trọng theo dõi rủi ro tăng giá này cho những tháng tới.

Trong khi đó, khối nợ của Mỹ đang tăng nhanh hơn trong những tháng gần đây, khi trung bình cứ 100 ngày, nợ của Mỹ lại tăng thêm khoảng 1.000 tỷ USD. Theo số liệu của Bộ Tài chính Mỹ, nợ công của nước này đã vượt ngưỡng 34.000 tỷ USD vào ngày 4/1. Trước đó, nợ công của Mỹ đã chạm mức 33.000 tỷ USD vào ngày 15/9/2023, sau khi tăng vượt 32.000 tỷ USD vào ngày 15/6/2023. Còn trước đó nữa, phải mất khoảng tám tháng nợ công của Mỹ mới tăng thêm 1.000 tỷ USD từ mức 31.000 tỷ USD.

Tính đến ngày 28/2, số nợ mà Chính phủ Mỹ vay để trang trải các chi phí vận hành ở mức 34.400 tỷ USD. Chiến lược gia đầu tư Michael Hartnett của ngân hàng Bank of America tin rằng tốc độ tăng 1.000 tỷ USD trong 100 ngày như trên sẽ tiếp tục được duy trì trong khoảng nợ từ 34.000 tỷ USD đến 35.000 tỷ USD.  

Tháng 11 năm ngoái, Moody’s Investors Service đã hạ xếp hạng tín nhiệm nợ của Chính phủ Mỹ từ ổn định xuống tiêu cực, do những nguy cơ ngày càng gia tăng trong thể trạng tài chính của nước này.

Moody’s Investors Service cho biết trong bối cảnh lãi suất tăng mà Mỹ lại không có các biện pháp tài khóa hiệu quả để giảm chi tiêu chính phủ hay gia tăng doanh thu, cơ quan này dự đoán thâm hụt tài khóa của Mỹ sẽ vẫn ở mức rất lớn, từ đó làm giảm đáng kể khả năng “gánh” nợ của nước này.

Về phần mình, ông Mark Zandim, nhà kinh tế trưởng của công ty nghiên cứu kinh tế Moody's Analytics, dự đoán đến cuối năm 2024, lạm phát ở Mỹ sẽ quay trở lại mục tiêu do Fed đặt ra.
     
Theo ông Mark Zandi, lạm phát của Mỹ đang ở mức “hợp lý và nhẹ nhàng” khi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột tại Ukraine đã rõ ràng. Chuyên gia kinh tế này cho rằng tuy vẫn còn một số tác động dư âm nhưng phần lớn tác động của những cú sốc này đã giảm bớt, lạm phát ổn định dần và nền kinh tế không suy yếu nhiều.

Chuyên gia Zandi nhận xét sự khác biệt đáng kể duy nhất giữa lạm phát thực tế hiện tại và mục tiêu của Fed đó là mức tăng chi phí nhà ở. Tuy nhiên, tốc độ tăng chi phí nhà ở chủ yếu phụ thuộc vào tăng giá trên thị trường cho thuê vốn rất mềm trong năm 2023 và sẽ tiếp tục trong năm 2024 nhờ nguồn cung nhà ở dồi dào hơn.
 
Ông Mark Zandi nhận định việc hoàn thiện thêm các căn hộ giúp số lượng nhà có sẵn tăng lên, từ đó giảm giá thuê trên thị trường và điều này sẽ trở nên rõ ràng hơn trong năm tới.

Báo cáo do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 29/2 cho thấy chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của nước này trong tháng 1/2024 đã tăng 0,3% (so với tháng trước đó). Trong 12 tháng tính đến hết tháng 1/2024, PCE của Mỹ đã tăng 2,4% - mức tăng thấp nhất kể từ tháng 2/2021 và theo sau mức tăng 2,6% trong tháng 12/2023.

Loại trừ các thành phần như năng lượng và thực phẩm dễ biến động, chỉ số giá PCE lõi của Mỹ đã tăng 0,4% trong tháng 1/2024.

Lạm phát lõi trong tháng 1/2024 tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng 3/2021 và sau mức tăng 2,9% trong tháng cuối năm 2023.

H.Thủy (TTXVN)
Chủ tịch Fed vẫn dự báo có 3 lần hạ lãi suất trong năm 2024
Chủ tịch Fed vẫn dự báo có 3 lần hạ lãi suất trong năm 2024

Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại Cleveland, Loretta Mester, ngày 29/2 cho rằng số liệu lạm phát mới nhất không làm thay đổi dự báo của bà về ba lần hạ lãi suất trong năm 2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN