Ngày 27/6/2014, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp đặc biệt các Quan chức Cao cấp (SOM) ASEAN về vai trò trung tâm của ASEAN và định hướng chiến lược về cấu trúc khu vực trong tương lai với sự tham dự của đại diện các nước thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam, làm Trưởng đoàn.
Cuộc họp SOM đặc biệt lần này là sáng kiến do Việt Nam đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tháng 5 vừa qua tại Nay Pyi Taw, Myanmar, được các nước ASEAN hoan nghênh và ủng hộ. Cuộc họp này cũng là bước khởi đầu làm cơ sở cho quá trình thảo luận lâu dài của ASEAN về một cấu trúc khu vực trong giai đoạn tới, nhất là sau khi ASEAN sẽ hình thành Cộng đồng vào năm 2015.
Các đại biểu chụp ảnh chung tại cuộc họp. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Cuộc họp này nhằm đánh giá tác động của những diễn biến gần đây tới bối cảnh địa chiến lược ở khu vực và những thách thức đối với vai trò trung tâm của ASEAN, thảo luận cách thức tiếp tục duy trì và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, xây dựng một chiến lược giúp ASEAN thích ứng tốt hơn với môi trường chiến lược mới, tăng cường tiếng nói và trách nhiệm chung của ASEAN đối với những vấn đề thuộc lợi ích chiến lược của khu vực.
Các nước ASEAN đều nhất trí rằng bối cảnh địa chiến lược ở khu vực đang thay đổi nhanh chóng, với nhiều diễn biến phức tạp ảnh hưởng sâu sắc tới môi trường hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực. ASEAN đang ở trong giai đoạn bản lề hướng tới sự hình thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015; các nước lớn can dự ngày càng sâu rộng hơn vào hợp tác ở khu vực với sự thay đổi và điều chỉnh trong chiến lược và trong tương tác giữa các nước lớn với nhau và với ASEAN, đặt ra không chỉ cơ hội mà còn nhiều thách thức cho việc duy trì vai trò trung tâm của ASEAN. Cùng với đó, sự gia tăng mạnh mẽ của liên kết kinh tế khu vực như Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiến trình tự do hóa thương mại APEC cũng thách thức việc duy trì vai trò động lực chính và hạt nhân của ASEAN trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, ASEAN cũng cần phải cho ý kiến về các đề xuất mới liên quan đến cấu trúc hợp tác và môi trường an ninh khu vực.
Trong bối cảnh đó, các nước nhấn mạnh ASEAN càng cần củng cố và giữ vững vai trò trung tâm của mình ở khu vực, đặc biệt trên các khía cạnh: Duy trì đoàn kết để thúc đẩy lợi ích chung của ASEAN; có phương cách ứng xử với các nước lớn; chủ động có tiếng nói về lập trường và giải pháp cho các vấn đề nảy sinh ở khu vực. Theo đó, các nước nhấn mạnh ASEAN cần duy trì đoàn kết, xác định cách tiếp cận chung đối với những vấn đề chiến lược ở khu vực nhằm bảo đảm lợi ích chung của ASEAN như xây dựng Cộng đồng, xử lý hiệu quả các vấn đề liên quan trực tiếp đến hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển của khu vực; đồng thời ASEAN cần phải củng cố các cơ chế hợp tác nội khối cũng như với các nước đối tác nhằm tăng cường năng lực trong việc ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, trong đó nổi lên các tranh chấp chủ quyền biển đảo, thiên tai, dịch bệnh. Mặt khác, ASEAN phải đẩy mạnh quá trình tham vấn để đạt được đồng thuận và tiếng nói chung, thông qua việc kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia và khu vực.
Để thực hiện được vai trò của mình, ASEAN cần tích cực chủ động trong việc xây dựng cấu trúc khu vực trong tương lai. Theo đó, ASEAN tiếp tục thúc đẩy xây dựng một cấu trúc khu vực đa tầng nấc, dựa trên các tiến trình hợp tác khu vực hiện có, đan xen và hỗ trợ lẫn nhau, trong đó ASEAN tiếp tục giữ vai trò chủ đạo; tăng cường xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử, giá trị và những nguyên tắc cơ bản của ASEAN như Hiến chương ASEAN, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC ), Tuyên bố Bali về Những nguyên tắc hợp tác cùng có lợi, Hiệp ước Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANFWZ), Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)... kết hợp những đề xuất mới nhằm tạo dựng một bộ quy tắc ứng xử chung cho toàn khu vực; đồng thời nỗ lực duy trì và thúc đẩy vai trò chủ đạo của ASEAN tại các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, ARF, ADMM+ cũng như phát huy hiệu quả của các cơ chế này.
Các nước đều khẳng định các diễn biến phức tạp đang diễn ra ở Biển Đông đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực. Do vậy, đây là vấn đề thuộc quan tâm chung và ASEAN phải có tiếng nói, thể hiện vai trò trung tâm và trách nhiệm của ASEAN. Từ đó, ASEAN cần lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ việc bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982 và các thỏa thuận liên quan ở khu vực, nhất là thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các quy định của Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, và tích cực thúc đẩy để sớm có Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông nhằm bảo đảm tốt hơn hòa bình, ổn định, an ninh ở khu vực.
Tại Hội nghị, các Trưởng SOM ASEAN cũng thảo luận về kết quả cuộc họp Nhóm Công tác chung ASEAN-Trung Quốc vừa diễn ra tại Bali, từ ngày 24-25/6/2014 và cho ý kiến chỉ đạo về việc bảo đảm thực hiện đầy đủ Tuyên bố DOC và thúc đẩy Trung Quốc, đi vào đàm phán thực chất với ASEAN để sớm đạt Bộ Quy tắc COC.
Dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh cho rằng trong bối cảnh khu vực với nhiều thách thức hiện nay, để phát huy được vai trò trung tâm, ASEAN cần phải đoàn kết và thể hiện được trách nhiệm của mình đối với các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực. Đặc biệt, ASEAN cần tăng cường vai trò chủ động trong xây dựng các chuẩn mực ứng xử ở khu vực và phát huy vai trò chủ đạo của ASEAN tại các cơ chế khu vực như ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, ARF, ADMM+ ...
Về Biển Đông, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh đã cập nhật về những diễn biến phức tạp đang diễn ra trên Biển Đông do việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 và cùng với việc đưa nhiều tàu hộ tống bảo vệ, trong đó có cả tàu và máy bay quân sự xâm phạm sâu vào trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các tàu Trung Quốc liên tục có các hành động gây hấn, cố tình đâm va, gây thiệt hại cho các tàu chấp pháp và dân sự của Việt Nam .
Thứ trưởng khẳng định những hành động này đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển và Tuyên bố DOC ký giữa ASEAN và Trung Quốc. Thứ trưởng đánh giá cao Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ngày 10/5/2014 và cho rằng, ASEAN cần phải đẩy mạnh các nỗ lực của mình nhằm bảo đảm rằng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển, DOC và các Tuyên bố của ASEAN phải được thực hiện trên thực tế mà trước hết là việc Trung Quốc phải chấm dứt xâm phạm và rút ngay giàn khoan và các tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Hơn bao giờ hết, ASEAN cần phải chủ động đề xuất các cơ chế để bảo đảm rằng các quy định của DOC phải được tôn trọng và sớm đạt được Bộ Quy tắc COC. Đây chính là trách nhiệm và ASEAN cần phải thể hiện vai trò chủ động, trung tâm của mình, tiếp tục tiếng nói chung đối với những vấn đề quan trọng của khu vực.
TTXVN/Tin tức