Mỗi khi thức dậy, Rachel Lee với tay sang máy tính và bắt đầu đọc dò một lượt các tờ báo, đài truyền hình, kênh báo chí học giả cùng những trang web ẩn để tìm kiếm thông tin liên quan đến Triều Tiên.
Các khẩu hiệu tuyên truyền, tất cả những gì liên quan đến hình ảnh họp cấp cao, duyệt binh, bục phát biểu lãnh đạo, các dịp kỉ niệm lớn của Triều Tiên, các đám tang… đều được phương Tây tìm kiếm nhằm tìm ra manh mối quan trọng nhất: Ai là người đang bước tới gần và ở sát nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhất.
Theo trang mạng FT, phương pháp nghiên cứu vất vả mà nhà phân tích Triều Tiên này đã thực hiện suốt 20 năm qua khi làm việc cho Chính phủ Mỹ, các tổ chức nghiên cứu và các hãng tin, đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các cơ quan tình báo và giới ngoại giao Mỹ đánh giá xem quan chức nào trong tầng lớp lãnh đạo ở Triều Tiên gia tăng ảnh hưởng, ai là người suy giảm vị thế.
Tuy nhiên, những hạn chế của phương thức dùng dữ liệu, tư liệu từ bên ngoài để phán đoán thông tin tại Triều Tiên đã lộ rõ khi một tuần qua Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un không xuất hiện trước công chúng. Những thông tin chưa được kiểm chứng, đồn đoán về tình trạng sức khoẻ của nhà lãnh đạo Triều Tiên đã khiến cả thế giới tò mò.
Các cựu chuyên gia phân tích trong chính quyền Mỹ vẫn đang cố lý giải tình trạng mà ông Kim Jong-un gặp phải. “Về vấn đề này, tôi cho rằng không ai biết điều gì, kể cả tình báo Mỹ”, cô Lee bày tỏ. Hôm 21/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên vẫn khỏe.
Tình báo con người: Sue Mi Terry, cựu chuyên gia phân tích của CIA - người chuyên lọc, báo cáo tin tình báo cho Tổng thống George W. Bush và Barack Obama về Triều Tiên - cho biết bà thiên về sử dụng thông tin tình báo kĩ thuật chặn thu được mỗi khi gánh trọng trách kết nối hàng nghìn mảnh thông tin để xác định một vấn đề gì đó liên quan đến Triều Tiên.
Song ngay cả trong trường hợp này, bà vẫn có thể bị “dính” tin giả nếu Triều Tiên nghi ngờ Mỹ tổ chức nghe lén. “Tin tôi đi. Quan chức Mỹ không biết điều gì đang diễn ra. Mà cũng không chỉ có riêng Mỹ, cả phần còn lại của thế giới đều vậy. Đó là lý do tại sao không ai biết được tin cố lãnh đạo Kim Jong-il mất, mọi việc chỉ sáng tỏ sau đó 48 giờ khi phía Triều Tiên quyết định công bố”, bà Terry, người hiện là chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) chia sẻ.
Jung Pak, một cựu sĩ quan phân tích tình báo CIA, mô tả hệ thống mà ở đó ông Kim Jong-un là trung tâm của nhiều tầng nấc thông tin được phân định rõ ràng. Thae Yong Ho, cựu quan chức Triều Tiên từng làm việc tại châu Âu và Anh, sau đó đào tẩu sang Hàn Quốc và hiện là một nghị sĩ ở Seoul, thậm chí cho rằng ngay cả đồng minh thân cận là Trung Quốc có thể cũng không nắm rõ được thông tin về tình hình sức khỏe của nhà lãnh đạo Kim Jong-un lúc này.
Tình báo kĩ thuật: Không ảnh vệ tinh và máy bay do thám cũng là hai công cụ quan trọng mà phương Tây dùng để do thám Triều Tiên. Đây cũng là phương thức mà tình báo quân sự của Hàn Quốc và Mỹ sử dụng để nắm bắt, theo dõi chương trình hạt nhân, tên lửa của Bình Nhưỡng. Loại hình tình báo công nghệ này còn đóng vai trò chính trong việc theo dõi hành trình di chuyển của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Hôm 25/4, mạng tin “38 Bắc” (38 North), một chương trình điều nghiên có trụ sở ở Washington chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên qua ảnh vệ tin thương mại, cho biết đã phát hiện một đoàn tàu “có thể là của ông Kim Jong-un” dừng đỗ ở gần khu phức hợp Wonsan từ ngày 21/4. Mạng này nhận định địa điểm trên cũng phù hợp với thông tin trước đó cho rằng ông Kim Jong-un đang ở một khu nghỉ dưỡng ở bờ biển phía Đông.
Thế nhưng, giới chuyên gia vẫn dè chừng việc đưa ra những kết luận từ những thông tin, dữ liệu kiểu này. Năm 2011, tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc dẫn lời nguồn tin tình báo khẳng định nhà lãnh đạo Kim Jong-il lúc đó sử dụng ít nhất 3 đoàn tàu: Hai chiếc chạy đồng thời để ngăn chặn các đợt tấn công khủng bố, còn một chiếc thứ 3 đóng vai trò dự phòng.
Các cuộc họp bí mật: Khác với cố lãnh đạo, người cha Kim Jong-il, Chủ tịch Kim Jong-un thực hiện nhiều hoạt động đối ngoại với các nhà lãnh đạo thế giới hơn. Tính từ năm 2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã có các cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và ba cuộc gặp với Tổng thống Trump.
Nhiều cuộc gặp khác, thường được đề cập là dạng Kênh 2 và không được công bố, vẫn tiếp tục được tổ chức đều đặn ở châu Á và châu Âu, có sự tham dự của giới chức Triều Tiên và các chuyên gia nước ngoài. Các cuộc tiếp xúc này chủ yếu tập trung vào các vấn đề kinh tế, chính sách đối ngoại, tạo nền tảng để giới chuyên gia và quan chức gây dựng quan hệ ngoại giao, chứ không phải là công cụ để chia sẻ thông tin nhạy cảm.