Ngày 30/8, Hãng thông tấn nhà nước Iran (IRNA) cho biết, trong cuộc điện đàm mới nhất giữa Bộ trưởng quốc phòng nước này, Husein Deghan, với người đồng cấp Syria D. El-Freidjem, hai bên đã thống nhất với nhận định rằng nếu ai gây ra chiến tranh ở Trung Đông vào thời điểm hiện tại, người đó sẽ “thất bại đầu tiên”.
Người tị nạn Syria tới Reyhanli, Antakya, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 30/8. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ông Deghan cho hay Iran đặc biệt chú ý theo dõi tình hình trật tự, an ninh trong khu vực, trong đó có những gì liên quan tới Syria trong bối cảnh Mỹ và một số nước phương Tây đang đe dọa can thiệp quân sự vào nước này. Trong khi đó, ông El-Freidjem cho rằng nếu điều đó xảy ra, sẽ kéo theo cuộc khủng hoảng trầm trọng tại một số nước khác trong vùng. Ông bác bỏ những cáo buộc cho rằng quân chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường, và khẳng định chính lực lượng nổi dậy đã làm như thế để lôi kéo sự ủng hộ từ bên ngoài tham gia vào việc lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar Al-Assad. Ông El-Freidjem còn cho biết toàn thể quân đội và nhân dân Syria đã sẵn sàng để nghênh chiến với bất cứ cuộc xâm lược nào và luôn chắc phần thắng.
Châu Mỹ lên án mọi hành động gây hấn chống Syria
Tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ VII diễn ra tại Surinam ngày 30/8, Liên minh các nước Nam Mỹ (UNASUR) đã lên án mọi cuộc tấn công từ bên ngoài nhằm vào Syria và kêu gọi tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho xung đột tại quốc gia Trung Đông này.
Trong một tuyên bố chính thức, hội nghị nêu rõ các tổng thống của các nước thành viên UNASUR bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về tình hình Syria và phản đối tất cả các cuộc can thiệp từ bên ngoài mà không phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc. Tuyên bố cũng kêu gọi các nước ngừng đưa vũ khí vào lãnh thổ Syria.
Phát biểu tại hội nghị, các Tổng thống Bolivia Evo Morales, Tổng thống Ecuador Rafael Correa và Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã phê phán mạnh mẽ các kế hoạch chống Syria của Mỹ và các nước đồng minh.
Cùng ngày, Liên minh Bolivar cho các dân tộc châu Mỹ (ALBA) cũng ra thông cáo đặc biệt lên án mọi ý định can thiệp quân sự tại Syria.
UNASUR tập hợp toàn bộ 12 nước Nam Mỹ gồm: Argentina, Bolivia, Brazil, Chile, Colombia, Ecuador, Guyana, Paraguay, Perú, Surinam, Uruguay và Venezuela. Trong khi đó, ALBA gồm 8 nước: Antigua và Barbuda, Bolivia, Cuba, Dominica, Ecuador, Nicaragua, Saint Vincent và the Grenadines, và Venezuela.
Mỹ, Pháp muốn gửi "thông điệp mạnh mẽ" tới Syria
Ngày 30/8, tuyên bố của Văn phòng Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết ông Hollande và Tổng thống Mỹ Barack Obama muốn gửi tới chính quyền Syria "một thông điệp mạnh mẽ" để lên án việc sử dụng vũ khí hóa học.
Tuyên bố trên nêu rõ: "Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng cộng đồng quốc tế không thể dung thứ cho việc sử dụng vũ khí hóa học và cần bắt chính quyền Syria chịu trách nhiệm cho điều này và phát đi một thông điệp mạnh mẽ". Tuyên bố trên được đưa ra sau cuộc hồi đàm kéo dài 45 phút giữa Tổng thống Hollande và Tổng thống Obama.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định nước này không hề đơn độc trong sứ mệnh trừng phạt chế độ của ông Assad, vì có sự ủng hộ của Pháp - đồng minh lâu đời nhất của Mỹ.
Cùng ngày, Tổng thống Obama đã chỉ trích sự "bất lực" của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khi không thể có hành động phản hồi vấn đề Syria, đồng thời cảnh báo thế giới không được "án binh bất động" trong việc phản ứng vụ tấn công bằng vũ khí hóa học.
Ngày 30/8, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng các cuộc tấn công "có giới hạn" như đe dọa của Mỹ nhằm vào Syria là không đủ và muốn một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn hơn để lật đổ chính quyền nước này.
Kênh tin tức NTV dẫn lời Thủ tướng Erdogan nêu rõ: "Một chiến dịch có giới hạn không làm chúng tôi hài lòng. Sự can thiệp mang tính quyết định như với Kosovo cần được tiến hành. Một chiến dịch kéo dài 1-2 ngày là không đủ. Mục tiêu là lật đổ chính quyền Syria".
Khác với nhiều nước Mỹ Latinh, ngày 30/8, chính phủ Panama ra tuyên bố ủng hộ các biện pháp trừng phạt Syria một khi đã xác nhận trách nhiệm của Syria trong việc sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao nêu rõ chính phủ Panama luôn quan tâm theo dõi các diễn biến mới đây của cuộc khủng hỏang tại Syria, và hậu quả của nó đối với khu vực Trung Đông và an ninh quốc tế. Panama cực lực phản đối việc sử dụng loại vũ khí nguy hiểm này, vì nó vi phạm Công ước quốc tế cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ và sử dụng vũ khí hóa học. Chính phủ Panama cho rằng Syria cần phải hợp tác với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong quá trình điều tra về vụ.
T.N