Nga, Đức phản đối tấn công quân sự Syria

Ngày 30/8, hãng thông tấn ITAR-TASS dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov tuyên bố Moscow phản đối mọi nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) cho phép tấn công quân sự nhằm vào chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Ông Gatilov nhấn mạnh: "Nga phản đối mọi nghị quyết của HĐBA LHQ có thể mở đường cho việc sử dụng vũ lực hay bất kỳ nghị quyết nào có thể bị lợi dụng để can thiệp quân sự vào Syria". Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh trước đó một ngày, cuộc họp thảo luận về tình hình tại Syria giữa 5 nước ủy viên thường trực HĐBA LHQ (gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ) đã kết thúc mà không đạt được đột phá rõ ràng nào.

Các chuyên gia vũ khí LHQ điều tra tại địa điểm được cho là đã xảy ra vụ tấn công bằng khí độc tại Ghouta, ngoại ô Damascus. Ảnh: AFP/TTXVN


Cũng trong ngày 30/8, Cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga, ông Yuri Ushakov cho biết nước này chưa được chứng kiến nguồn thông tin tình báo như Mỹ tuyên bố rằng có bằng chứng cho thấy vai trò của Chính phủ Syria trong vụ tấn công bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học hồi tuần trước. Trước đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 29/8 đã chia sẻ thông tin tình báo với các nghị sĩ nước này nhằm thuyết phục họ rằng Chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hóa học tấn công người dân Syria hôm 21/8 và hành động này phải bị trừng phạt.

Từ trước tới nay, Nga vẫn kiên định rằng không có bằng chứng cho thấy Chính phủ Syria đứng sau vụ tấn công nói trên. Nga và Trung Quốc đều tuyên bố sẽ ngăn cản LHQ ra nghị quyết cho phép sử dụng vũ lực chống Syria, song Mỹ đã phát tín hiệu khẳng định sẽ tiến hành tấn công ngay cả khi không được ủng hộ.

Ông Ushakov cũng cho rằng không quốc gia nào có quyền đơn phương đưa ra quyết định liên quan tới Syria mà không đính kèm sứ mệnh của LHQ. Ông cũng đồng thời cảnh báo một cuộc tấn công không được sự thông qua của LHQ sẽ là một đòn giáng mạnh vào trật tự thế giới. Bên cạnh đó, ông cũng khẳng định "Nga tiếp tục hành động tích cực nhằm tránh kịch bản quân sự ở Syria".

Hãng ITAR-TASS dẫn một nguồn thạo tin từ Brussels cho biết tính đến ngày 30/8, đã có ít nhất 12 nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khẳng định không tham gia chiến dịch quân sự chống Syria nếu không có nghị quyết của HĐBA LHQ.

Mới đây nhất, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle cũng đã loại bỏ khả năng nước này sẽ tham gia một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Syria, sau vụ tấn công được cho là sử dụng vũ khí hóa học gần thủ đô Damascus hồi tuần trước. Trả lời báo giới ngày 30/8, ông Westerwelle cho rằng Đức "không yêu cầu và cũng không xem xét một hành động như vậy". Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi đang hối thúc Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ tìm kiếm một quan điểm chung và các thanh sát viên LHQ hoàn tất tiến trình điều tra sớm nhất có thể".

Trước đó, Đức tuyên bố sẽ ủng hộ "các hành động" đối phó với chính quyền Damascus nếu khẳng định được việc sử dụng vũ khí hóa học chết người của Syria song không cho biết cụ thể các hành động đó là gì.

Trong khi đó, ngày 30/8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết Washington vẫn đang tìm kiếm một "liên minh quốc tế" nhằm đáp trả việc chính quyền Syria bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học, bất chấp việc Quốc hội Anh bỏ phiếu phủ quyết hành động can thiệp quân sự vào quốc gia Trung Đông này.

Trả lời họp báo tại thủ đô Manila của Philippines, ông Hagel nói: "Hướng tiếp cận của chúng tôi là tiếp tục tìm kiếm một liên minh quốc tế để hợp sức với nhau", đồng thời khẳng định Washington tôn trọng lập trường của Quốc hội Anh khi bác bỏ việc can dự vào hành động trừng trị chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Ông nêu rõ: "Mỗi nước đều có trách nhiệm đưa ra quyết định của riêng mình. Chúng tôi đang tham vấn với người Anh như với tất cả các đồng minh khác của chúng tôi. Tham vấn bao gồm việc cùng nhau xúc tiến một hình thức đáp trả trước những vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria".

Chia sẻ quan điểm với Mỹ, Pháp quyết tấn công Syria bất chấp kết quả bỏ phiếu ở nước đồng minh Vương quốc Anh. Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 30/8 cho rằng kết quả bỏ phiếu trong Quốc hội Anh phản đối hành động quân sự chống Syria sẽ không ảnh hưởng tới ý định của Pháp trừng phạt chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad với cáo buộc tấn công dân thường bằng vũ khí hóa học.

Trả lời phỏng vấn của nhật báo "Le Monde", Tổng thống Hollande đã ủng hộ hành động trừng phạt "mạnh tay" để đáp trả vụ tấn công mà ông cho là đã gây ra những tổn hại "không thể bù đắp" cho người dân Syria. Bên cạnh đó, Tổng thống Hollande còn cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với các đồng minh của Pháp. Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng dự đoán cuộc tấn công quân sự vào Syria có thể diễn ra trước ngày 4/9. Bên cạnh đó, ông còn cho biết Quốc hội Pháp sẽ triệu tập phiên họp khẩn về vấn đề Syria vào ngày 4/9.

Cũng trong ngày 30/8, Ngoại trưởng Australia Bob Carr đã khuyến cáo các công dân nước này lập tức rời khỏi Syria, trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở quốc gia Trung Đông này. Ngoại trưởng Bob Carr xác nhận rằng nguy cơ xung đột leo thang ở Syria là rất cao và không có sự an toàn ở thủ đô Damascus, Aleppo hay bất kỳ thành phố nào của Syria.

Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chỉ thị cho các bộ trưởng trong nội các nước này thu thập thông tin và đảm bảo phối hợp chặt chẽ với Mỹ và các nước khác về tình hình tại Syria.


TTXVN/Tin tức

Mỹ tìm liên minh tấn công Syria
Mỹ tìm liên minh tấn công Syria

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel ngày 30/8 cho biết, Mỹ vẫn đang tìm kiếm một “liên minh quốc tế” để phản ứng với cáo buộc cho rằng chính phủ Syria dùng vũ khí hóa học hôm 21/8.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN