Cách đây mấy ngày, gần như cả thế giới “nín thở” chờ đợi trong sự căng thẳng trước khả năng một số nước phương Tây, chủ yếu là Mỹ, Anh và Pháp, đã sẵn sàng trong tư thế “ấn nút” để có thể khởi sự cuộc tấn công quân sự vào Syria bất cứ lúc nào.
Rất may là đã có dấu hiệu “hạ nhiệt” khi Tổng thống Mỹ Barrack Obama nói rõ là ông chưa có quyết định tấn công Syria, mặc dù ông vẫn tỏ ý muốn cảnh cáo chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad về hành động bị cáo buộc là “đã sử dụng vũ khí hóa học”.
Đài RFI của Pháp dẫn lời ông Obama nói trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình PBS (Mỹ) tối 28/8/2013 rằng ông chưa quyết định (tấn công Syria) và ông có nhiều lựa chọn. Tổng thống Mỹ cũng kết luận rằng “việc can thiệp quân sự trực tiếp không giải quyết được các vấn đề trên thực địa”.
Vẫn theo RFI, Luân Đôn, vốn rất tích cực ủng hộ mở chiến dịch quân sự “trừng phạt” Syria, cũng cho biết “không muốn phát lệnh tấn công Syria” trước khi biết được kết quả của các chuyên gia Liên hiệp quốc đang thanh tra vụ sử dụng vũ khí hóa học ở ngoại ô Damascus hôm 21/8. Vả lại, theo Đài BBC, với đa số phiếu, các dân biểu Anh tối 29/8 cũng đã chống lại chủ trương tham gia vào các cuộc tấn công quân sự chống Syria do Mỹ khởi xướng, khiến Thủ tướng David Cameron sau đó phải tuyên bố "chính phủ sẽ hành động theo nguyện vọng của các dân biểu", có nghĩa là sẽ không tham gia các cuộc tấn công vào Damascus.
Còn Pháp, một nước khá hăng hái chuẩn bị cho cuộc can thiệp có thể xảy ra thì sáng 29/8 cũng đã thể hiện sự do dự khi người phát ngôn của chính phủ Pháp, bà Najat Vallaud-Belkacem, nhận định rằng cuộc tấn công của các nước phương Tây vào Syria là “phức tạp”.
Những suy nghĩ, hành động và phát ngôn mang tính cân nhắc như trên cho thấy khả năng can thiệp vào Syria bằng quân sự của phương Tây ít nhất cũng đã được đẩy lùi khỏi “giới hạn đỏ”.
Rõ ràng, cuộc tấn công bằng quân sự do một số nước phương Tây chủ trương nhằm vào Syria với cái cớ “trừng phạt” chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học giết người, nếu xảy ra, chắc chắn “không thể giải quyết được các vấn đề trên thực địa” như lời ông Obama mà còn gây ra những hậu quả chưa thể lường hết được, không chỉ đối với Syria và khu vực Trung Đông, giống như hậu quả của những gì mà Mỹ và đồng minh của họ đã từng làm ở Iraq và Lybia.
Việc Mỹ, Anh và Pháp quyết định trì hoãn cuộc tấn công Syria mà họ đã dự tính, ít nhất là cho đến khi có kết luận chính thức của các thanh sát viên Liên hiệp quốc về kết quả xác minh những lời tố cáo liên quan đến việc sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc nội chiến ở Syria, thể hiện sự thận trọng của chính phủ các nước này.
Sự thận trọng đó là cần thiết và rất đáng hoan nghênh, vì trước mắt nó giúp tăng thêm cơ hội cho hòa bình và ổn định ở khu vực đang bị mất ổn định nhất thế giới này.
Nhưng sự lựa chọn tốt nhất vẫn là từ bỏ hoàn toàn toan tính can thiệp quân sự vào Syria để giải quyết mọi vấn đề thông qua con đường ngoại giao, đối thoại hòa bình.
NQU