Theo tờ Politico ngày 12/10, các chính phủ phương Tây đang hối thúc Israel kiềm chế trong chiến dịch quân sự chống Hamas ở Gaza, trong bối cảnh ngày càng lo ngại rằng cuộc xung đột có thể vượt khỏi tầm kiểm soát.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nêu rõ rằng họ ủng hộ phản ứng trả đũa của Israel kèm một cảnh báo rằng phản ứng đó phải công bằng.
“Israel có quyền tự vệ bằng cách loại bỏ các nhóm như Hamas thông qua hành động có mục tiêu, nhưng bảo vệ dân thường là nghĩa vụ của các nền dân chủ”, ông Macron nói vào tối 12/10.
Trong khi đó, Mỹ lần đầu tiên ám chỉ trách nhiệm của Israel. Phát biểu cùng với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại một cuộc họp báo, ông Blinken nói rằng mặc dù Israel có quyền tự vệ, nhưng nước này thực hiện điều đó như thế nào mới quan trọng.
Trong cuộc điện đàm với ông Netanyahu vào tối 12/10, Thủ tướng Anh Rishi Sunak nhắc lại rằng nước này sát cánh cùng Israel trong cuộc chiến chống Hamas, nhưng lưu ý rằng các tay súng Hamas đã trà trộn vào dân thường ở Gaza, do đó điều quan trọng là phải thực hiện mọi biện pháp có thể để bảo vệ người dân Palestine bình thường và tạo điều kiện thuận lợi cho viện trợ nhân đạo.
Khi Israel tăng cường đáp trả mạnh mẽ ở Gaza, một số nước châu Âu lo ngại cuộc chiến tranh toàn diện trong khu vực có thể nổ ra. Một nhà ngoại giao Pháp giấu tên nhận định: “Bất cứ điều gì Israel và Palestine làm hiện nay đều có nguy cơ góp phần làm gia tăng xung đột. Một mối lo ngại lớn là nguy cơ xung đột lan rộng ra khu vực”.
Về phần mình, Gilad Erdan, Đại sứ Israel tại Liên hợp quốc, đã gọi các cuộc tấn công của Hamas và vụ bắt cóc con tin sau đó là “vụ 11/9 của Israel”.
Nhưng các cuộc tấn công vào Mỹ năm 2001 cũng khiến Washington phát động “cuộc chiến chống khủng bố” toàn cầu, với sự tham gia quân sự do Mỹ dẫn đầu ở Afghanistan và hai năm sau là Iraq, khiến nhiều người thiệt mạng. Sự ủng hộ thống nhất của quốc tế dành cho Mỹ trong những ngày và tuần ngay sau vụ 11/9 đã tan vỡ vì quyết định đưa quân vào Iraq năm 2003 của Tổng thống George W. Bush.
Một quan chức EU cho biết: “Israel rõ ràng coi đây là một hành động kích động hoặc biện minh cho chiến tranh. Có một mối nguy hiểm thực sự là Israel chỉ đơn giản sử dụng điều này cho một cuộc tấn công lớn trên bộ và quét sạch toàn bộ Gaza”.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis thậm chí còn công khai cảnh báo về việc mắc phải sai lầm tương tự. Ông Varoufakis nói: “Cú sốc và sự giận dữ ở Israel gợi nhớ đến những cảm xúc ở Mỹ sau ngày 11/9. Điều đó đã kích động thể hiện sự đoàn kết và sức mạnh của Mỹ. Nó cũng dẫn tới một cuộc chiến chống khủng bố với một số sai lầm và tự hủy hoại. Israel có thể đang đi vào con đường nguy hiểm tương tự”.
Liên hợp quốc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Chỉ hai ngày sau vụ tấn công, Tổng thư ký António Guterres cho biết ông “vô cùng đau buồn” trước thông báo của Israel về cuộc bao vây Gaza. Ông cũng cảnh báo Israel rằng các hoạt động quân sự phải được tiến hành theo đúng luật nhân đạo quốc tế. Lời kêu gọi này cũng được quan chức cấp cao của EU về sách đối ngoại Josep Borrell nhắc lại.
Các tổ chức phi chính phủ và các chính phủ phương Tây đang lo ngại về một cuộc khủng hoảng nhân đạo, khi tổ chức Chữ thập Đỏ Quốc tế cảnh báo rằng các bệnh viện ở Gaza có thể biến thành “nhà xác” vì không có điện.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Israel Israel Katz ngày 12/10 cho biết sẽ không có ngoại lệ nhân đạo cho đến khi tất cả các con tin được giải thoát.