Khó khăn của Mỹ khi ứng phó với 2 cuộc xung đột ở Ukraine và Israel

Nói một cách đơn giản, Mỹ không thể đủ nguồn lực hỗ trợ hai cuộc chiến lớn trong khi chuẩn bị cho khả năng xảy ra cuộc xung đột thứ ba. Đó là một thực tế khó khăn và ngày càng trở nên rõ ràng.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu về cuộc xung đột Israel-Hamas. Ảnh: Reuters

Theo kênh CNN (Mỹ) ngày 11/10, cơ sở công nghiệp quân sự của Mỹ đang căng mình trước những áp lực từ cuộc xung đột ở Ukraine nhưng giờ lại nổ ra cuộc xung đột Israel - Hamas. Và phạm vi, quy mô của cuộc xung đột này có thể gia tăng: Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã áp đặt lệnh phong tỏa ở Gaza và đe dọa tiến hành một chiến dịch trên bộ, từ đó có thể gây ra phản ứng từ Iran hoặc khiến các quốc gia khác trong khu vực can dự. Ngoài ra, mối lo ngại cũng đang rình rập với Mỹ là vấn đề eo biển Đài Loan (Trung Quốc) vốn vẫn căng thẳng.

Mỹ đang gặp khó với cả ba tình huống, trong đó có hai tình huống là những cuộc giao tranh toàn diện. Trong khi các nguồn tài nguyên của quốc gia không phải là vô hạn, và sự xung đột giữa các dòng chính trị đang làm xáo trộn nền dân chủ của Mỹ cho thấy rằng Washington khó có thể thống nhất về việc sẵn sàng can dự quân sự vào cả ba trường hợp - mặc dù Mỹ vẫn tiếp tục tuyên bố sẵn sàng ứng phó.

Với cuộc phản công của Ukraine, hiện sắp kết thúc khi mùa Đông đến gần, súng, pháo của họ bắn khoảng 6.000 viên đạn mỗi ngày, mặc dù Kiev có nhu cầu sử dụng 10.000 viên/ngày - một phần nhỏ so với khoảng 60.000 viên mỗi ngày mà Nga đang sử dụng. Tháng 7 năm ngoái, ngay cả trước khi cuộc phản công năm nay diễn ra, Mỹ tiết lộ họ đã cung cấp khoảng 2 triệu viên đạn pháo kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine.

Hiện chính quyền Biden đã tăng sản xuất đạn pháo của Mỹ - đặc biệt là loại đạn tiêu chuẩn 155mm - từ mức 14.000 viên/tháng trước xung đột lên 24.000 viên/tháng hiện nay, với kế hoạch sớm tăng con số đó lên 28.000 viên/tháng. Nhưng không rõ có bao nhiêu đạn pháo trong số đó sẽ được dành cho Ukraine.

Mỹ cũng phải đối mặt với nhiệm vụ ngày càng thách thức là mua các linh kiện công nghệ cao cho tên lửa hành trình, pháo binh và máy bay không người lái phức tạp, trong bối cảnh giá các linh kiện và chip bán dẫn đã tăng 300% và giá thành của lithium tăng 400%, theo khảo sát của trang tin Defense News.

Chú thích ảnh
Israel pháo kích vào Gaza để đáp trả cuộc tấn công của Hamas. Ảnh: AFP

Trong khi đó, cho đến nay vẫn chưa có cuộc thảo luận công khai nào về việc tăng cường vận chuyển vũ khí tới Israel, mặc dù chính quyền Mỹ đã ra hiệu trước Quốc hội nước này rằng yêu cầu như vậy có thể sắp được đưa ra. Bản ghi nhớ 10 năm mới nhất (2018 - 2028) giữa Mỹ và Israel có cam kết viện trợ quân sự 38 tỷ USD. Israel đã mua 50 máy bay chiến đấu F-35, máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến nhất từng được sản xuất. Vào năm 2023, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt khoảng 520 triệu USD cho các chương trình phòng thủ chung giữa Mỹ và Israel, phần lớn là dành cho phòng thủ tên lửa.

Nhưng hầu hết các nhà quan sát độc lập đều cho rằng tốc độ tấn công bằng tên lửa của Hamas có nghĩa là Israel sẽ cần bổ sung đạn dược khẩn cấp và ngay lập tức cho hệ thống phòng thủ "Vòm Sắt" của mình.

Tất nhiên, điều thực sự không thể lường trước là liệu việc Israel phong tỏa Gaza - hay một cuộc tấn công toàn diện trên bộ và trên biển vào vùng lãnh thổ này - có thể dẫn đến việc Iran tham chiến hay không. Sự tham gia của Tehran có thể là gián tiếp, thông qua việc cung cấp vũ khí hoặc hỗ trợ quân sự khác. Câu hỏi đặt ra là Israel có thể trả đũa bằng hình thức nào đối với Iran.

Cuối cùng, có một vấn đề quan trọng - mặc dù hiếm khi được đề cập đến - là việc tiêu hao đạn dược của Mỹ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến khả năng tự vệ của nước này. Tại cuộc họp báo đầu tuần này, một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ nói với các phóng viên: “Chúng tôi có thể tiếp tục hỗ trợ cho cả Ukraine, Israel và duy trì sự sẵn sàng toàn cầu của chính mình”. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của Mỹ dường như không có dấu hiệu rõ ràng nào dẫn đến thành công cho cả Ukraine hay Israel, chứ chưa nói đến mặt trận Thái Bình Dương.

Hiện tại, Nhà Trắng được cho là đang xem xét gộp viện trợ cho cả Ukraine và Israel vào 1 gói, vì Israel có thể nhận được sự ủng hộ rộng rãi hơn của lưỡng đảng. Một quan chức chính quyền Mỹ nói với tờ Washington Post rằng cách tiếp cận như vậy đặc biệt khả thi vì nhiều thành viên Quốc hội Mỹ đã kiên quyết phản đối việc tiếp tục viện trợ cho Ukraine trong khi ủng hộ mạnh mẽ việc hỗ trợ quân sự bổ sung cho Israel. Quan điểm rằng Mỹ sẽ luôn đến giải cứu và cung cấp vũ khí quân sự để hỗ trợ một đồng minh đang cần giúp đỡ có thể dễ được chấp nhận - nhưng một ngày nào đó Washington sẽ phải đối mặt với những lựa chọn và thực tế khó khăn.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo CNN.com)
Ngoại trưởng Mỹ tới Israel
Ngoại trưởng Mỹ tới Israel

Ngày 12/10, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tới Tel Aviv trong khuôn khổ chuyến công du Trung Đông mở rộng nhằm thể hiện sự ủng hộ của Mỹ với Israel sau vụ tấn công bất ngờ của phong trào Hồi giáo Hamas, đồng thời tìm cách chấm dứt cuộc xung đột hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN