Theo hãng thông tấn TASS, ông Mikhail Ulyanov, Đại diện thường trực của Nga tại các Tổ chức Quốc tế ở Vienna (Áo), đã cho biết thông tin trên qua Twitter.
Ông nhấn mạnh rằng lần đầu tiên trong lịch sử, các quốc gia phương Tây đã phải đối mặt với hậu quả của các lệnh trừng phạt mà họ đưa ra đối với một quốc gia khác.
Trước đó, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cũng bình luận các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm làm suy yếu ổn định tài chính của Nga đều thất bại. Ông nêu rõ Chính phủ Nga đã thành công trong giảm thiểu đáng kể những tác động của các lệnh trừng phạt đối với người dân và doanh nghiệp Nga. Thủ tướng Nga thừa nhận nền kinh tế bị chững lại do các lệnh trừng phạt là điều không thể tránh khỏi, song điều này không có nghĩa là nền kinh tế bị hủy hoại.
Thủ tướng Mishustin đưa ra số liệu cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga trong 6 tháng đầu năm 2022 chỉ sụt giảm hơn 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Nga từng dự báo nền kinh tế nước này sẽ rơi vào suy thoái sâu, song điều này đã không xảy ra và nước Nga sẽ thoát khỏi giai đoạn khó khăn này, thậm chí trở nên vững mạnh và có sự chuẩn bị tốt hơn.
Hôm 7/9, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông 2022, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định nền kinh tế Nga đang đứng vững trước các lệnh trừng phạt của phương Tây. Ông Putin nói: “Các chuyên gia của Nga đều cho rằng nền kinh tế Nga đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất. Tình hình đang dần trở nên bình thường, thể hiện qua các chỉ số kinh tế vĩ mô”.
Ông Putin nhiều lần cảnh báo lệnh trừng phạt của phương Tây có thể gây ra hậu quả thảm khốc cho thị trường năng lượng toàn cầu. Tổng thống Putin tuyên bố các biện pháp đó sẽ gây tổn thất lớn hơn cho những quốc gia áp đặt chúng. Theo nhà lãnh đạo, những lời kêu gọi của phương Tây nhằm giảm phụ thuộc năng lượng Nga đã khiến thị trường toàn cầu phát sốt với giá dầu và khí đốt tăng vọt.
Sau khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Nga đã trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới, vượt qua cả Iran và Triều Tiên.