Đối với Qi Jia, một nữ nhân viên văn phòng 39 tuổi tại Thường Châu (Trung Quốc), ly dị chồng không phải là điều đơn giản. Cô chia sẻ với kênh NBC News (Mỹ): “Anh ta trở nên luộm thuộm và nghiện chơi game. Tôi phải tự chăm sóc bản thân và con cái”.
Do công việc, Qi Jia và chồng sống xa nhau 13 năm và ít khi liên lạc. Theo luật mới của Trung Quốc, các cặp đôi có 30 ngày để cân nhắc quyết định trước khi ra tòa ly hôn. Do vậy, chỉ 3 ngày trước khi luật mới có hiệu lực từ đầu năm nay, Qi Jia đã ly dị chồng.
Giống như nhiều quốc gia khác, tỷ lệ ly dị của Trung Quốc tăng mạnh trong những năm gần đây. Luật mới mà chính phủ nước này ban hành hướng tới mục tiêu khuyến khích các cặp đôi cân nhắc lại ý định. Vậy nhưng trên thực tế, luật mới khiến phụ nữ Trung Quốc không đồng tình bởi lo ngại rằng việc ly hôn sẽ ngày càng khó khăn.
Theo Cục Dân sự Trung Quốc, có trên 1 triệu cặp đôi tại nước này đệ đơn ly hôn trong 3 tháng cuối năm 2020, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019. Nhà văn Xiao Meili cho rằng luật mới là “bước lùi” với phụ nữ và hạn chế quyền ly hôn chồng. Cô Xiao chia sẻ: “Hôn nhân cần có sự đồng thuận từ cả hai phía. Nếu có một người muốn ly hôn thì cần được cho phép”.
Tại Trung Quốc, phụ nữ đang có xu thế là phía chủ động muốn ly hôn. Theo Tòa án Tối cao Nhân dân Trung Quốc, khoảng 74% trường hợp đệ đơn ly dị trong năm 2016 và 2017 là từ phía nữ giới. Việc tiếp cận tốt hơn với giáo dục và công việc trong những thập niên gần đây đã nâng cao độc lập tài chính và địa vị xã hội của phụ nữ tại Trung Quốc. Họ chịu ít ảnh hưởng hơn từ những cuộc hôn nhân không hạnh phúc.
Tuy nhiên, áp lực xã hội vẫn tồn tại. Gia đình và bạn bè thường không ủng hộ phụ nữ ly dị và các tòa án Trung Quốc thường có xu hướng ra phán quyết phản đối để duy trì ổn định xã hội. Ly dị thường kéo theo định kiến xã hội với nhiều phụ nữ. Đôi khi ngay cả bằng chứng về bạo lực gia đình cũng không đảm bảo sẽ có phán quyết được ly dị.
Trong tháng 2, một tòa án tại Bắc Kinh đã gây sốc khi ra phán quyết người chồng phải đền bù cho người vợ khoảng 7.000 USD vì làm việc nhà trong 5 năm hôn nhân. Vụ việc châm ngòi cho tranh cãi về địa vị của phụ nữ trong xã hội.
Một trong những rào cản đối với ly dị là chênh lệch thu nhập theo giới, quy định về phân chia tài sản thường ưu tiên phái mạnh và quan niệm truyền thống nặng về vai trò giới tính.
Cục Dân sự Trung Quốc nhấn mạnh rằng quá trình cân nhắc 30 ngày sẽ không áp dụng với trường hợp liên quan đến bạo lực gia đình. Trên thực tế, việc ly dị qua tòa án thường kéo dài và không mang lại nhiều thuận lợi cho phụ nữ.
Luật sư Ma Danyang tại Bắc Kinh đánh giá quá trình cân nhắc 30 ngày chỉ làm gia tăng căng thẳng đối với các khách hàng của cô. Nữ luật sư này đánh giá: “Thật không công bằng với phụ nữ… Mỗi ngày đợi chờ đối với họ dài như một năm vậy”.
Nhưng giáo sư He Xin tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc) lại đánh giá việc áp dụng thời gian cân nhắc ly dị là hợp lý bởi đây là vấn đề quan trọng. Ông nói: “Nhiều quốc gia đã có luật tương tự”.
Tại Trung Quốc, tỷ lệ ly dị gia tăng, cộng với tỷ lệ kết hôn và tỷ lệ sinh giảm sẽ gây ra khủng hoảng khi dân số rơi vào tình trạng già hóa. Đây được coi là thách thức lớn đối với chính phủ nước này. Năm 2015, Trung Quốc đã từ bỏ chính sách một con nhưng chỉ riêng điều này là chưa đủ để giải quyết tận gốc vấn đề. Một số người lại cho rằng quy định mới có thể khiến các cặp đôi ngần ngại kết hôn ngay từ đầu.
Nhà văn Xiao Meili đánh giá: “Phụ nữ trẻ ngày càng nhận thức rõ về bình đẳng giới. Nhiều phụ nữ độc thân vẫn tự mang lại cho mình cuộc sống tươm tất”.