Siêu tàu container Ever Given mắc kẹt đã nổi lên trên mặt nước

Ngày 29/3, hãng tin Bloomberg dẫn thông tin từ nhà cung cấp dịch vụ hàng hải Inchcape cho biết các nỗ lực giải cứu siêu tàu Ever Given chặn ngang kênh đào Suez đã đạt được thành công bước đầu khi giúp tàu nổi lên trên mặt nước.

Chú thích ảnh
Tàu chở hàng Ever Given mắc cạn ở Kênh đào Suez, Ai Cập. Ảnh: IRNA/TTXVN

Cụ thể, bước ngoặt quan trọng này đạt được sau khi đội nạo vét đào khoảng 27.000 m3 cát về phía 2 bên bờ của kênh đào Suez, xuống độ sâu khoảng 18m. Phần mũi tàu đã bị hư hỏng một phần nhưng toàn bộ kết cấu tàu được cho là vẫn ổn định.

Trước đó, Chính phủ Ai Cập đã yêu cầu tháo dỡ hàng trên tàu nếu không thể đưa tàu nổi lên mặt nước trước ngày 30/3.

Tàu Ever Given, mang cờ Panama, có chiều dài hơn tổng chiều dài của 4 sân bóng đá và tải trọng lên tới 199.000 tấn. Khi tiến vào kênh đào Suez từ Biển Đỏ ngày 23/3 vừa qua, con tàu đã bị mắc cạn và chặn ngang kênh đào. Nguyên nhân ban đầu được báo cáo là vì sức gió quá mạnh khiến tàu xoay ngang và mắc kẹt từ ngày 23/3.

Tuy nhiên, người đứng đầu Cơ quan quản lý Kênh đào Suez (SCA) Osama Rabie ngày 27/3 khẳng định gió mạnh và các yếu tố thời tiết không phải là nguyên nhân chính khiến con tàu mắc cạn, mà có thể do lỗi kỹ thuật hoặc con người. Tất cả những yếu tố này sẽ được làm rõ trong quá trình điều tra.

Kênh đào Suez, được khánh thành năm 1869, là tuyến vận tải quan trọng đối với việc vận chuyển dầu thô, hóa chất và các sản phẩm tinh chế từ khu vực Trung Đông và châu Á-Thái Bình Dương đến châu Âu và Bắc Mỹ.

Theo SCA, khoảng 12% giao thương toàn cầu đi qua kênh đào Suez với tổng số 18.829 tàu chở 1,17 tỷ tấn hàng hóa  trong năm 2020. Vụ mắc cạn đã khiến hoạt động giao thương đi qua Kênh đào Suez hầu như tê liệt, khiến hơn 300 tàu khác bị tắc nghẽn ở 2 đầu kênh đào dài khoảng 190 km này.

Lê Ánh (TTXVN)
Mỹ từng cân nhắc dùng 520 quả bom hạt nhân để đào kênh thay thế Suez
Mỹ từng cân nhắc dùng 520 quả bom hạt nhân để đào kênh thay thế Suez

Vào những năm 1960, Mỹ đã xem xét đề xuất sử dụng 520 quả bom hạt nhân để tạo ra một tuyến đường thủy chạy qua lãnh thổ Israel, thay thế cho kênh đào Suez.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN