Theo hãng tin AFP, trong khi Hàn Quốc diễn ra cuộc bầu cử chọn nhà lãnh đạo mới cho đất nước, phụ nữ tại quốc gia này cũng tự hỏi bản thân một câu hỏi: “Liệu sẽ lấy người ủng hộ ứng viên số 2?”. Phụ nữ Hàn Quốc đang cân nhắc các đối tượng tiềm năng để hẹn hò qua tiêu chí đánh giá quan điểm bầu cử.
Trong cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc, các cử tri sử dụng một hệ thống đánh số để ám chỉ ứng viên lựa chọn. Ứng viên số 2 trên phiếu bầu là ông Yoon Suk-yeol của Đảng Quyền lực Nhân dân đối lập. Lee Jae-myung thuộc đảng Dân chủ cầm quyền là ứng viên số 1. Ai trong số hai ứng viên này nhận được nhiều phiếu từ cử tri hơn sẽ quyết định tương lai của đất nước.
Mặc dù có những tiến bộ vượt bậc về kinh tế và công nghệ, Hàn Quốc vẫn là một xã hội mang đậm tư tưởng truyền thống. Trong các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hàn Quốc đứng thứ nhất về khoảng cách lương theo giới tính, với 3,6% thành viên hội đồng quản trị tại các tập đoàn là phụ nữ.
Ứng viên Yoon, một cựu công tố viên 61 tuổi, đã từng bị chỉ trích vì lên tiếng thể hiện quan điểm bảo thủ tương tự rất nhiều nam thanh niên Hàn Quốc. Theo kết quả khảo sát do báo Hankook Ilbo thực hiện vào tháng 5/2021 với sự tham gia của 3.000 người, 79% nam giới ở độ tuổi 20 cho biết họ là nạn nhân của sự phân biệt giới tính nghiêm trọng.
Nhiều người cảm thấy thiệt thòi khi gia nhập thị trường lao động do phải trải qua nghĩa vụ quân sự bắt buộc và bị đe dọa trước những hoạt động đấu tranh vì quyền phụ nữ ngày càng tăng ở Hàn Quốc. Ứng viên Yoon cho biết một khi đắc cử, ông sẽ giải tán bộ bình đẳng giới, tuyên bố phụ nữ không phải đối mặt với tình trạng phân biệt đối xử ở Hàn Quốc. Ông cũng từng ám chỉ nữ quyền là lý do khiến tỷ lệ sinh của đất nước thấp.
Trên các diễn đàn trực tuyến những ngày gần đây, nhiều phụ nữ bày tỏ họ sẽ không lấy những người ủng hộ ứng viên số 2. Họ miêu tả những người ủng hộ ứng viên số 1 sẽ là một người bạn trai, một người chồng tốt, một người dễ mến. Ngược lại, những người ủng hộ ứng viên số 2 thì bị gắn mác “kẻ vô danh” hoặc “kẻ thất bại”.
Trước khi có ứng viên số 1 và số 2, cụm từ e-dae-nam (những người nam giới trong độ tuổi 20) thường được sử dụng để miêu tả những nam thanh niên Hàn Quốc bày tỏ sự bất bình với chủ nghĩa nữ quyền và quay lưng lại với đảng cầm quyền của Tổng thống Moon Jae-in.
Cụm từ này đã được biết đến rộng rãi sau cuộc bầu cử thị trưởng Seoul năm ngoái. Trong cuôc bầu cử đó, phần lớn cử tri là những nam thanh niên ở độ tuổi 20 và 72,5% cử tri bầu cho ứng cử viên Đảng Quyền lực Nhân dân Oh Se-hoon.
Ví dụ xấu về chủ nghĩa cực đoan của e-dae-nam thể hiện ngay cả ở hoạt động đời thực lẫn trên mạng. Tháng trước, một nữ streamer 27 tuổi với hơn 290.000 người đăng ký theo dõi trên YouTube đã tự kết liễu đời mình sau khi bị bắt nạt trên mạng. Cho Jang-mi từng bị các nhóm cộng đồng trực tuyến do nam giới quản trị buộc tội là một nhà nữ quyền và để lại những bình luận ác ý đối với cô.
New Men’s Solidarity và các tổ chức phản đối nữ quyền thường xuyên tổ chức biểu tình tại các quảng trường trên khắp đất nước, đồng thời gây rối tại các cuộc biểu tình của các tổ chức nữ quyền như sự việc xảy ra ở thành phố Daejeon năm ngoái. Hiện tại, nhiều người biểu tình đòi nữ quyền khi tham gia đã phải che mặt để tránh bị nhận dạng và bị trả thù trên mạng.
Ông Yi Sang-gu, Chủ tịch Hiệp hội Phúc lợi Nhà nước, tin rằng việc gắn mác, đánh giá nhóm người ủng hộ các ứng viên trên mạng không thể hiện sự rạn nứt xã hội.
“Không có quá nhiều khác biệt giữa một người đàn ông ủng hộ ứng viên số 1 và người ủng hộ ứng viên số 2. Tất cả họ đều phải hứng chịu những vấn đề cơ bản như thất nghiệp, giá nhà cao, hôn nhân và các vấn đề khác mà những người ở độ tuổi 20 phải đối mặt. Khi những vấn đề cơ bản này bắt đầu được chú ý và được giới trẻ bày tỏ quan điểm phổ biến hơn thì các cụm từ như e-dae-nam, người đàn ông số 1, người đàn ông số 2 chỉ đơn thuần thu hút sự quan tâm của dư luận. Ngay cả khi ứng viên Yoon đắc cử và tuyên bố xóa bỏ bộ bình đẳng giới, cuộc sống của nam giới cũng chẳng tốt đẹp hơn hay cuộc sống nữ giới tồi tệ đi. Lý do chúng ta phải chứng kiến những vấn đề này là vì đất nước chúng ta không có chính sách hoặc đầu tư cho tương lai lớp trẻ”, ông Yi nhận xét.