Theo tờ New York Post, Shuli, thanh niên 15 tuổi sống tại New York, đã gặp phải tình huống khó xử khi chính phủ phê duyệt vaccine COVID-19 cho nhóm tuổi của cậu bé: “Mẹ cháu rất ủng hộ vaccine, nhưng bố cháu là người người phản đối kịch liệt tiêm chủng. Bố liên tục nói với cháu rằng đừng tiêm chủng”.
Cô Elisheva, mẹ của Shuli, là người có toàn quyền giám hộ, đã cho cậu bé được quyền tự do lựa chọn có tiêm chủng hay không. Cậu bé đã tiêm trước khi trường học mở cửa.
“Trường học của cháu khuyến khích tiêm chủng. Học sinh sẽ không được chơi thể thao, hoạt động ngoại khóa nếu chưa tiêm vaccine COVID-19. Trường còn có phòng tư vấn tiêm chủng và nhân viên y tế sẽ nói chuyện nếu có một học sinh nào đó sợ tiêm”, cậu bé nói.
Nhưng kể từ khi bỏ qua lời khuyên của bố, Shuli đã bị đối xử vô cùng lạnh lùng. “Bố vẫn còn rất giận cháu. Đó là một sự rạn nứt. Cháu không nghĩ rằng mối quan hệ giữa hai bố con có thể hàn gắn sau chuyện này”, Shuli nói.
Bất chấp sự thất vọng của bố, Shuli cho biết tiêm phòng là lựa chọn đúng đắn: “Cháu có một cuộc sống xã hội và tương tác với mọi người, đi xem phim và ăn uống nhà hàng. Điều đó giúp cháu giữ an toàn cho bản thân và cả những người khác, không ai bị lây virus từ cháu. Cháu muốn nói rằng điều đó xứng đáng”.
Đối với các bậc phụ huynh đã ly hôn, quyết định có cho con đi tiêm chủng hay không đã tạo ra một cuộc chiến. Khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine Pfizer cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi vào tháng 5, một làn sóng mới về các vấn đề pháp lý đã bùng lên.
Các cặp vợ chồng đã ly hôn có quyền nuôi con chung nhận thấy họ đã bị chia rẽ sâu sắc vì vấn đề tiêm chủng cho con . Nhiều bậc phụ huynh thậm chí còn đưa nhau ra tòa với hy vọng giành được quyền đưa ra quyết định y tế đối với con mình.
Carly Krasner Leizerson, luật sư gia đình và hôn nhân ở thành phố New York, cho biết: “Nhiều cặp vợ chồng đã ly hôn đang bất đồng vì việc tiêm chủng cho con. Các bậc phụ huynh có quyền giám hộ hợp pháp chung, có nghĩa là cùng đưa ra quyết định đối với các vấn đề quan trọng của con cái họ, bao gồm cả các quyết định về y tế.” Song tiêm chủng cho trẻ vị thành niên đang “là một vấn đề gây chia rẽ”.
Krasner cho biết bà nghĩ rằng sẽ có nhiều vấn đề pháp lý xuất hiện hơn giữa các bậc cha mẹ khi những đứa trẻ đủ điều kiện tiêm chủng. Một bà mẹ ở Upper East Side đã chết lặng khi chồng cũ của cô quyết định tiêm phòng cho con trai của họ, vừa tròn 12 tuổi, mà không có sự đồng ý của cô ấy.
“Chồng cũ của tôi muốn con được tiêm phòng. Anh ấy không quan tâm đến những gì tôi nghĩ. Đó là mối nguy hiểm đối với trẻ em”, người phụ nữ 40 tuổi yêu cầu giấu tên cho biết. Bản thân cô đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, nhưng lo lắng về những tác dụng phụ có thể xảy ra với con mình.
Luật sư Krasner đang đại diện cho một thân chủ đang đấu tranh cho con gái 14 tuổi được tiêm vaccine COVID-19, khi vợ cũ anh ta cực lực phản đối điều đó. Trước khi nảy sinh bất đồng, cặp đôi đã ly hôn 4 năm trước, dù chia tay nhưng vẫn cùng nhau dự các ngày sinh nhật và ngày nghỉ.
“Gia đình này ly hôn vì bất đồng nuôi dạy con cái. Giờ đây, họ đưa nhau ra tòa về vấn đề này. Bác sĩ nhi khoa của đứa trẻ và điều phối viên nuôi dạy con cái đã khuyến cáo nên cho đứa trẻ đi tiêm. Về cơ bản người bố yêu cầu tòa án để anh có quyền quyết định việc tiêm chủng của con, nhưng người mẹ lại không chịu nghe lời khuyên của bác sĩ”, nữ luật sư cho biết.
Mặc dù các trường công lập ở New York không bắt buộc học sinh tiêm vaccine, nhưng các trường tư thường yêu cầu ngược lại. Họ có các quy định dành riêng đối với những trẻ không tiêm chủng và điều này có thể làm hỏng hoặc phá vỡ trải nghiệm học đường của trẻ.
Luật sư Krasner cho biết không rõ vaccine có những ảnh hưởng nào đến trẻ em sau này hay không, nhưng trước mắt, việc không tiêm vaccine đã gây tác động xã hội nghiêm trọng với con gái của thân chủ cô.
“Con bé là thành viên duy nhất trong lớp chưa được tiêm phòng. Trường tư của bé cấm học sinh chưa tiêm tham gia các câu lạc bộ, đội thể thao và đi thực tế qua đêm”, Krasner nói. Ngoài ra, những người chưa được tiêm phải đeo một loại khẩu trang khác và ăn trưa riêng biệt. “Đứa trẻ như sống ngoài lề xã hội. Con rất muốn tham gia vào các hội nhóm và các hoạt động ở trường lớp”, luật sư chia sẻ.
Amanda Uhry, người sáng lập Công ty Cố vấn Trường Tư thục Manhattan, nhấn mạnh rằng điều kỳ quặc khi nói đến tiêm chủng là hành vi chia rẽ xã hội.
“Bạn sẽ không muốn trở thành đứa trẻ duy nhất chưa được tiêm vaccine ở trường tư thục. Có những bữa tiệc, những buổi sinh hoạt cuối tuần sôi động ở ở Hamptons, những bậc phụ huynh không muốn có mặt những đứa trẻ chưa được tiêm”, cô nói.
Trong khi đó, mẹ của Shuli, cô Elisheva, nói rằng ngoài những lợi ích về sức khỏe, một trong những lý do khiến cô vui mừng khi con mình quyết định đi tiêm là cậu bé có thể yên tâm tham gia các hoạt động cùng bạn bè. Sau hơn một năm chịu đựng những tổn thương tinh thần do đại dịch gây ra, theo người mẹ, “việc một lần nữa đặt đứa trẻ vào tình huống bị cô lập khỏi bạn bè và các hoạt động xã hội là điều thật tồi tệ”.