Hình ảnh vệ tinh bãi thử hạt nhân Punggye-ri trước giờ bị đóng cửa. Ảnh: AP |
Chiều ngày 24/5, Triều Tiên đã chính thức tiến hành phá hủy bãi thử hạt nhân bằng hình thức dùng thuốc nổ đánh sập các đường hầm trước sự chứng kiến của gần 30 phóng viên quốc tế.
Theo nhóm nhà báo Hàn Quốc có mặt tại sự kiện đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri miền Bắc Triều Tiên, hoạt động dỡ bỏ bắt đầu từ 11h trưa và kết thúc vào 16h17 chiều 24/5 (giờ địa phương).
Hiện chưa xác minh được liệu nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có tham gia sự kiện đóng cửa bãi thử Punggye-ri hay không.
Theo phóng viên Tom Cheshire của báo Anh Sky News – phóng viên Anh duy nhất được mời tới sự kiến hiếm hoi lần này tại Triều Tiên, sau 12 tiếng ngồi tàu bị bịt kín cửa sổ, một tiếng ngồi xe ô tô và trèo lên đỉnh núi, nhóm truyền thông quốc tế được xem lễ đánh sập đường hầm từ một đài quan sát cách đó 500 m.
“Họ đếm ngược – 3, 2, 1. Nó thực sự là một tiếng nổ lớn, bạn có thể cảm nhận được. Khói bụi mù mịt, bạn cũng cảm nhận được sức nóng. Tiếng nổ thực sự rất to. Vụ nổ khiến cho trạm quan sát làm từ gỗ bị thổi bay thành nhiều mảnh vụn nhỏ”, phóng viên Cheshire tường thuật.
Phóng viên này cho biết nhóm truyền thông quốc tế được mời tới bãi thử hạt nhân Punggye-ri còn được đích thân phó giám đốc chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên hé lộ “chi tiết bất ngờ” về chương trình hạt nhân.
Cả phóng viên của Sky News và đội ngũ làm tin của kênh truyền hình CNN đều đưa tin trước khi tiến hành đánh sập đường hầm, nhóm truyền thông quốc tế được dẫn tới đường hầm và nhìn thấy các bó thuốc nổ nhiều dây được gắn chặt vào cửa vào đường hầm.
Báo Korea Times đưa tin Triều Tiên đã phá hủy ít nhất 3 đường hầm hạt nhân, các tòa nhà quan sát, một xưởng đúc kim loại và một số khu nhà ở tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri.
Phóng viên Igor Zhdanov của hãng tin Nga RT cho biết trong số 3 đường hầm bị đánh sập tại bãi thử, có một đường hầm được khai thác tối đa cho lần thử hạt nhân gần đây trong khi hai đường hầm khác còn mới. Bằng việc đánh sập đường hầm mới, phóng viên Zhdanov nhấn mạnh đây "thực sự là một cách thể hiện họ sẵn sàng nhượng bộ".
Phóng viên Zhdanov tường thuật các tòa nhà bị phá hủy đều được sơ tán trước đó. "Chúng tôi được thông báo họ đã bỏ các thiết bị. Nhưng tất nhiên chúng tôi không có cách nào kiểm chứng được".
Ngày 12/5, Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết nước này mời các phóng viên từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Anh tới dự lễ đánh dấu việc đóng cửa bãi thử hạt nhân Pyunggye-ri. Ngày 22/5, nhóm phóng viên truyền thông quốc tế thuộc các hãng tin AP, CNN, CBS, Sky News, RT… trên chuyến bay của hãng hàng không Air Koryo hạ cánh an toàn xuống sân bay Kalma gần thành phố nghỉ dưỡng Wonsan (Triều Tiên). Họ phải di chuyển hơn 16 tiếng đồng hồ bằng tàu hỏa, ô tô và đi bộ để có thể đến được bãi thử hạt nhân Punggye-ri.
Punggye-ri là bãi thử hạt nhân duy nhất của Triều Tiên, nơi nước này đã tiến hành 6 lần thử nghiệm hạt nhân, trong đó 2 vụ thử nghiệm cuối cùng được Triều Tiên tuyên bố là bom nhiệt hạch.
Việc phá bỏ bãi thử hạt nhân được xem là cử chỉ thiện chí đáng ghi nhận nhằm xây dựng lòng tin trong vấn đề hạt nhân, tạo không khí thuận lợi cho cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Mỹ - Triều dự kiến diễn ra vào 12/6 tới.