Đang tất bật ghi lại những hình ảnh về nỗi đau, sự mất mát mà người dân Ấn Độ phải hứng chịu trong làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ hai, Barkha Dutt – một phóng viên truyền hình nổi tiếng tại quốc gia này – nhận được tin người cha 80 tuổi qua đời.
“Bản thân tôi trở thành câu chuyện và là người trải qua nỗi đau mà những người tôi đã đưa tin trải qua”, phóng viên Dutt chia sẻ.
Giống như bao người khác, nữ phóng viên này cũng phải chiến đấu để có được một chiếc xe cứu thương, một bình oxy y tế, tuyệt vọng tìm giường bệnh và cuối cùng là chỗ hỏa táng cha mặc dù đã sử dụng hết các mối quan hệ mình có.
Cùng câu chuyện với Dutt, Suhasini Raj – một nữ phóng viên làm việc cho văn phòng New York Times ở New Delhi – cho biết khi đang đi viết bài, cô cũng nhận được tin về thành viên gia đình mình mắc bệnh và nồng độ oxy trong cơ thể bố chồng giảm mạnh.
“Trong lúc đi viết bài, tôi cũng phải chạy đi chạy lại để sắp xếp giường bệnh cho người thân”, Raj nói tại một cuộc họp trực tuyến do Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài Nam Á (FCCSA) tổ chức.
Vẫn còn hàng nghìn câu chuyện khác nói lên sự tuyệt vọng của các phóng viên Ấn Độ, khi vừa phải nỗ lực đưa thông tin về làn sóng dịch bệnh đang tàn phá quốc gia và vừa phải chăm lo cho sức khỏe người thân.
Bên cạnh đó, có những phóng viên không may mắc COVID-19 trong quá trình tác nghiệp. Theo số liệu chính thức của Viện Nghiên cứu Nhận thức (IPS) trụ sở tại Delhi, chỉ tính riêng trong tháng 4, 77 phóng viên đã thiệt mạng vì COVID-19. Trong khi đó, con số này suốt cả năm ngoái là 128 người.
Tổn thất đối với ngành báo
Các hãng tin và tổ chức truyền thông hoạt động không ngừng kể từ khi đại dịch bùng phát ở Ấn Độ. Kota Neelima - người sáng lập IPS - cho biết: “Các nhà báo không chỉ đưa tin về cuộc khủng hoảng y tế của quốc gia mà còn phải đối mặt với nó hàng ngày”.
Kalyan Barooah, lãnh đạo tờ báo tiếng Anh tại Ấn Độ Assam Tribune cùng vợ cũng là nhà báo tử vong sau khi mắc COVID-19 chưa đầy 24 giờ đồng hồ cách đây vài ngày tại một bệnh viện ở New Delhi. Cùng ngày, Anirban Bora của Thời báo Kinh tế cũng không chiến thắng trước dịch bệnh.
Trước đó một ngày, phóng viên truyền hình Rohit Sardana (41 tuổi) có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 đã qua đời. Phóng viên Kakoli Bhattacharya làm việc cho báo Anh The Guardian cũng không thoát khỏi số phận nghiệt ngã. Có tới 30 phóng viên mắc COVID-19 chỉ trong tỉnh Uttar Pradesh lớn nhất Ấn Độ.
Nữ phóng viên Raj nói rằng không ai chuẩn bị tinh thần sẵn sàng trước một thảm họa như vậy ở Ấn Độ. Thách thức lớn nhất trong quá trình tác nghiệp của cô là phải tập trung đưa tin và không bị chuyện cá nhân ảnh hưởng. Một nhà báo đã nhận được tin vợ mình tử vong khi đang đưa tin dẫn hiện trường nói về tình trạng thiếu oxy trong bệnh viện.
Giai đoạn khó khăn
Vikas Pandey - biên tập viên của đài BBC tại Ấn Độ - miêu tả việc đưa tin giữa tâm dịch là giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử báo chí ở quốc gia Nam Á. Ông giải thích với việc bỏ lại gia đình phía sau và ưu tiên công việc đã khiến cho nhiều phóng viên, nhà báo tổn hại tâm lý.
“Trước đây, chúng tôi phải đối mặt với các giai đoạn khó khăn khác như những vụ nổ bom hay tấn công khủng bố. Tuy nhiên, tình trạng hiện nay vượt xa tất cả”, Pandey bày tỏ.
Mahes Langa – phóng viên tại nhật báo quốc gia The Hindu – cho biết tính chính xác của thông tin và dữ liệu trở thành vấn đề chính trong làn sóng dịch bệnh thứ 2. Không giống như làn sóng thứ nhất, khi giới chức và ban lãnh đạo bệnh viện đưa ra các con số cụ thể và thông tin chi tiết, dữ liệu lần này khó tiếp cận hơn. Mahes Langa cho hay mạng xã hội đã trở thành phao cứu sinh cho những phóng viên như anh. “Nếu như không có mạng xã hội, chúng tôi như mò mẫm trong bóng đêm. Chúng tôi nhận được thông tin và có thể kiểm chứng từ mạng xã hội trước khi viết thành bài báo”, Langa giải thích.