Phong tỏa sớm mang lại nhiều lợi ích sức khỏe không ngờ cho Trung Quốc

Theo phân tích của các nhà nghiên cứu Trung Quốc, việc phong tỏa trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19 đã mang lại những lợi ích sức khỏe không ngờ tới cho quốc gia này.

Chú thích ảnh
Nhân viên kiểm soát dịch bệnh đứng gác tại lối vào một khu dân cư bị phong tỏa ở Bắc Kinh vào đầu tháng 10. Ảnh: EPA-EFE

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, trong phát hiện được công bố trên tạp chí Nature hôm 30/11, nhóm các nhà nghiên cứu cho biết biện pháp phong tỏa phòng COVID-19 có thể đã ngăn chặn được khoảng 374.000 ca tử vong trong 7 tháng đầu năm 2020 ở nước này, với khoảng 60% bệnh nhân tim mạch đã được cứu sống. 

Các nhà nghiên cứu cho biết không khí sạch hơn do các hoạt động công nghiệp giảm đi và người dân đi lại ít hơn, cùng những thói quen như đeo khẩu trang, vệ sinh tay và giãn cách xã hội, có thể đã góp phần làm giảm số người tử vong do các nguyên nhân không liên quan đến COVID-19.

“Giữa những cuộc tranh luận ngày càng sôi nổi liên quan đến việc lựa chọn chiến lược đối phó với COVID-19 khác nhau trên khắp thế giới, nghiên cứu của chúng tôi cung cấp một tiêu chuẩn để hiểu rõ hơn những lợi ích sức khỏe rộng lớn hơn của chính sách chống lây nhiễm cứng rắn ở Trung Quốc”, báo cáo viết.

Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, bao gồm Tiến sĩ George Gao Fu, Trường Đại học Bắc Kinh, Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, Đại học Hong Kong.

Chú thích ảnh
Thành phố Vũ Hán trong thời gian phong tỏa. Ảnh: Getty Images

Trong nghiên cứu về tác động của việc phong tỏa ở Trung Quốc, nhóm các nhà khoa học cho biết “kết quả này trái ngược với lập luận cho rằng phong tỏa có thể làm tăng tỷ lệ tử vong do áp lực kinh tế hoặc hạn chế khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế không liên quan đến COVID-19”.

“Có ý kiến cho rằng các biện pháp phòng dịch như phong tỏa có thể gây hại cho sức khỏe người dân trong thời gian ngắn, do hạn chế di chuyển của con người sẽ làm giảm khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, các hạn chế kinh doanh có thể làm gián đoạn kinh tế nghiêm trọng. Tuy nhiên, trên thực tế, các phân tích của chúng tôi cho thấy phong tỏa đã mang lại những ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe của người dân Trung Quốc cả trong ngắn hạn và trung hạn”, nghiên cứu cho biết.

Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng việc phong tỏa vào đầu năm 2020 đã làm giảm 4,6% tỷ lệ tử vong không liên quan đến COVID-19 bên ngoài Vũ Hán, nơi ghi nhận các ca nhiễm virus đầu tiên.

“Chúng tôi nhận thấy các tử vong do các bệnh tim mạch, tai nạn giao thông và nhiễm trùng đường hô hấp dưới cấp tính và mãn tính, đã giảm đi trong thời gian phong tỏa. Thậm chí, những lợi ích sức khỏe này vẫn tồn tại cho đến thời kỳ hậu phong tỏa”, nghiên cứu cho biết.

Theo nghiên cứu, trong 4 tháng kể từ ngày 8/4/2020, khi lệnh phong tỏa Vũ Hán được dỡ bỏ, đến ngày 31/7, số người chết đã giảm 12,5%, 

Các nhà nghiên cứu cho biết sự sụt giảm mạnh số ca tử vong do các bệnh truyền nhiễm rất có thể là do người dân tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng bệnh COVID-19, bao gồm đeo khẩu trang, rửa tay sát trùng thường xuyên và ít tương tác xã hội hơn.

Ngoài ra, chất lượng không khí được cải thiệnc cũng có thể là nguyên nhân góp phần làm giảm ca tử vong vì bệnh tim mạch. Việc đi lại ít hơn trong thời kỳ dịch bệnh cũng làm giảm số người chết vì tai nạn giao thông. Trong thời gian phong tỏa, nhiều người không phải chịu áp lực công việc do làm việc từ xa và chế độ ăn uống lành mạnh hơn cũng có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cộng đồng.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế vận chuyển nhu yếu phẩm hàng ngày cho người dân tại khu vực cách ly ở Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Tuy nhiên, báo cáo cho biết không rõ liệu những lợi ích này có kéo dài sau thời gian nghiên cứu hay không. “Có thể, sau khi nhiều người được tiêm chủng, các hành vi sức khỏe của họ sẽ trở lại bình thường như thời kỳ trước đại dịch. Cũng có khả năng là  sau khi sản xuất kinh tế phục hồi hoàn toàn, chất lượng không khí sẽ xấu đi và sẽ lại đe dọa cuộc sống của con người”, báo cáo viết.

Nghiên cứu cho rằng chính phủ nên tìm cách duy trì các biện pháp như thực hành vệ sinh cá nhân để đảm bảo các lợi ích sức khỏe sau đại dịch.

Nghiên cứu này được xuất bản chỉ vài ngày sau khi biến thể Omicron được Tổ chức Y tế Thế giới xác nhận là một biến thể đáng lo ngại. Trên khắp thế giới, nhiều quốc gia đã báo cáo ca nhiễm biến thể Omicron, trong đó Australia, Nhật Bản và Pháp đã ghi nhận ca nhiễm đầu tiên vào hôm 30/11.  

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể Omicron nào. Tuy nhiên, một quan chức y tế công cộng cấp cao cho biết biến thể mới rất có nguy cơ xâm nhập vào nước này. Song giới chức cho biết nỗ lực xét nghiệm hàng loạt có thể phát hiện ca nhiễm và chiến lược “Zero COVID” của quốc gia này sẽ ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm cộng đồng.

Hôm 30/11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khẳng định nước này sẽ quyết tâm tổ chức thành công Thế vận hội Mùa đông vào tháng 2/2022 bất chấp những thách thức mà Omicron đặt ra.

“Tôi nghĩ biến chủng Omicron chắc chắn sẽ dẫn đến những thách thức liên quan phòng ngừa và kiểm soát. Nhưng Trung Quốc có nhiều kinh nghiệm ứng phó COVID-19. Tôi tin Thế vận hội Mùa đông sẽ diễn ra suôn sẻ”, ông Triệu nhấn mạnh trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh.

Trung Quốc là quốc gia cuối cùng trên thế giới còn duy trì chính sách không khoan nhượng với COVID-19. Nước này vẫn áp dụng các biện pháp phòng dịch cứng rắn, như triển khai xét nghiệm hàng loạt, truy vết liên lạc thường xuyên, cách ly kéo dài và kiểm soát biên giới nghiêm ngặt.

Hải Vân/Báo Tin tức
Ca mắc COVID-19 ở Nam Phi tăng tới 403% trong một tuần
Ca mắc COVID-19 ở Nam Phi tăng tới 403% trong một tuần

Số ca mắc COVID-19 ở Nam Phi đã tăng tới 403% trong một tuần sau khi các nhà khoa học nước này cảnh báo về biến thể mới Omicron.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN