Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa, phải) trong cuộc gặp với đoàn đặc phái viên Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, do Chánh Văn phòng an ninh quốc gia Phủ Tổng thống Chung Eui-yong (giữa, trái) dẫn đầu, tại Bình Nhưỡng ngày 5/3. Ảnh: Yonhap/TTXVN |
Các nguồn tin trên cho hay KCCI đang xem xét nhiều kế hoạch thúc đẩy các cuộc tiếp xúc trực tiếp với Phòng Thương mại Triều Tiên thông qua Phòng Thương mại Quốc tế hoặc đối thoại trực tiếp giữa hai cơ quan này trong trường hợp các cuộc gặp thượng đỉnh giữa Triều Tiên và Hàn Quốc cũng như giữa Triều Tiên và Mỹ được thực hiện như đã được thỏa thuận.
Trước đó, trong một diễn biến được coi là đổi chiều trong quan hệ liên Triều lạnh giá, nhà lãnh đạo của Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vừa nhất trí tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh vào cuối tháng 4/2018 để thảo luận các biện pháp thúc đẩy hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng nhất trí gặp nhau vào cuối tháng 5/2018.
Các nguồn tin còn cho biết thêm rằng KCCI đang dự kiến tổ chức một cuộc hội thảo về triển vọng của mối quan hệ liên Triều cũng như các nhiệm vụ trong tương lai tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc vào tuần tới với sự tham gia của nhiều doanh nhân Hàn Quốc. Nếu được thực hiện, đây sẽ là sự kiện đầu tiên liên quan đến quan hệ liên Triều mà KCCI tổ chức kể từ tháng 6/2015. Ngoài ra, KCCI cũng đang có kế hoạch tăng cường hoạt động của một nhóm tư vấn chính sách liên quan đến hợp tác kinh tế giữa hai miền Triều Tiên và xem xét việc cho hoạt động lại ủy ban hợp tác kinh tế liên Triều vốn hiện nay đã ngừng hoạt động.
Tuy nhiên, KCCI cũng tuyên bố họ sẽ không vội vã thúc đẩy tiếp xúc với các doanh nhân Triều Tiên trong bối cảnh triển vọng của mối quan hệ liên Triều vẫn chưa được rõ ràng và các biện pháp trừng phạt Triều Tiên vẫn đang có hiệu lực. KCCI vẫn chưa có cuộc tiếp xúc nào với Phòng Thương mại Triều Tiên trong vòng 10 năm qua mặc dù đã có những lần trực tiếp hay gián tiếp tiếp xúc dưới thời của các chính quyền theo đường lối tự do của Tổng thống Kim Dae-jung và Tổng thống Roh Moo-hyun.
Về phần mình, nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc đang có cách tiếp cận chờ đợi các diễn biến tiếp theo đối với việc cải thiện tình hình trên Bán đảo Triều Tiên và vẫn chưa thực hiện động thái cụ thể nào theo hướng xúc tiến giao lưu liên Triều.