Từ lâu, các quốc gia trên thế giới đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn và xử lý hành vi sử dụng rượu bia trước khi điều khiển phương tiện giao thông.
TTXVN giới thiệu chùm bài "Phòng chống vi phạm nồng độ cồn khi lái xe" do các phóng viên tại cơ quan thường trú ngoài nước thực hiện, tổng hợp kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới trong vấn đề này.
Bài 1: Cuộc chiến không của riêng quốc gia nào
Tai nạn giao thông là một vấn nạn nhức nhối ở Thái Lan, nước có tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông cao nhất trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và đứng thứ chín trên thế giới. Chỉ tính riêng trong 5 ngày nghỉ lễ đầu Năm mới 2020 vừa qua, tại Thái Lan đã xảy ra 2.529 vụ tai nạn giao thông đường bộ, cướp đi sinh mạng của 256 người và khiến 2.588 người bị thương, trong đó nguyên nhân gây tai nạn do tài xế điều khiển phương tiện giao thông trong tình trạng say rượu là chủ yếu (chiếm 32,29% số vụ).
Tại Singapore, quốc gia vốn được biết tới là xanh, sạch đẹp và vô cùng kỷ luật, riêng năm 2018, số vụ tai nạn gây ra bởi lái xe ô tô uống bia rượu và không làm chủ tốc độ đã tăng 17,3%, lên 176 vụ so với 150 vụ của năm trước đó. Số vụ tai nạn xe máy do bia rượu cũng tăng mạnh, lên tới 51,3% với 59 trường hợp. Điều này khiến số vụ tai nạn chết người liên quan đến xe máy tại Singapore trong năm 2018 đã tăng lên 65 trường hợp, từ 45 trường hợp của năm trước đó. Đáng chú ý, tỷ lệ tử vong của người lái xe máy và người ngồi sau đã tăng 38,6% so với năm trước và chiếm gần một nửa số trường hợp tử vong do tai nạn giao thông đường bộ trong năm 2018.
Trong khi đó, tại quốc gia lớn nhất châu Á là Trung Quốc, số vụ tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia khi lái xe trong 6 tháng đầu năm ngoái lên tới 901.000 trường hợp. Tại nước láng giềng Hàn Quốc, số trường hợp uống rượu lái xe ghi nhận được là bình quân 296 vụ/ngày, trong khi số vụ tai nạn do người lái xe đã uống rượu bia là 28,6 vụ/ngày.
Tại Mỹ, nơi mỗi năm người dân uống khoảng hơn 17 tỷ cốc rượu bia và nếu giả sử những cốc rượu bia lớn tương đương lon bia 330ml thì lượng rượu bia người Mỹ tiêu thụ đủ nhấn chìm hai lần khu Kim Tự Tháp Giza của Ai Cập, lái xe khi say rượu là một vấn đề nghiêm trọng. Đây là nguyên nhân gây ra khoảng 40% các vụ tai nạn giao thông tại nước này, với số ca tử vong lên tới hơn 10.000 mỗi năm. Hơn 1,8 triệu người Mỹ bị bắt mỗi năm vì lái xe khi say rượu.
Trong số những người bị bắt vì tội danh lái xe khi đã uống rượu bia ở Mỹ, khoảng 20-28% người phạm tội lần đầu sau đó lại tiếp tục vi phạm, những người tái phạm có nguy cơ gây tai nạn chết người nhiều hơn những lái xe bình thường tới 62%. Trung bình các vụ tai nạn giao thông do uống rượu bia gây thiệt hại cho kinh tế Mỹ 121,5 tỷ USD, bao gồm chi phí cho cấp cứu, cứu chữa, mất thu nhập do bị tai nạn, chi phí giải quyết các vấn đề pháp lý và hư hỏng phương tiện. Chính các khu vực nông thôn lại bị ảnh hưởng nhiều nhất do các vụ tai nạn và tử vong vì lái xe uống rượu bia.
Số liệu của Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Detatis) cho thấy, có 4,4% số vụ tai nạn giao thông ở Đức liên quan đến rượu bia. Nhưng đáng ngại hơn, rượu bia dẫn đến 7,3% số người chết vì tai nạn giao thông. Hai phần ba số vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia xảy ra ở khu vực nội đô, gần một phần ba xảy ra ở các đường liên vùng và chỉ một tỷ lệ nhỏ xảy ra trên các đường cao tốc liên bang - nơi phần lớn không hạn chế tốc độ. Tính trung bình, có 17 người chết và 340 người bị thương nặng do liên quan đến rượu bia trong 1.000 vụ tai nạn giao thông xảy ra ở Đức. Theo thống kê mới nhất công bố năm 2019, hằng năm mỗi người dân Đức, tính mọi độ tuổi, tiêu thụ trung bình khoảng 13 lít cồn, đưa nước này vào nhóm những quốc gia tiêu thụ bia rượu hàng đầu thế giới. Đặc biệt với bia, thứ đồ uống đã trở thành thương hiệu của người Đức, mỗi người tại đây tiêu thụ lên tới gần 100 lít một năm.
Vương quốc Anh là một trong những nước có chỉ số an toàn giao thông đường bộ cao hàng đầu thế giới (tỷ lệ người tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ trên 100.000 dân là khoảng 2,9), song tỷ lệ người thiệt mạng trong các vụ tai nạn liên quan đến bia rượu lại có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây. Năm 2017, tỉ lệ này là 16,2%, so với mức 13,8% trong 2 năm trước. Số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ ra rằng, rượu bia là nguyên nhân gây ra 13% số ca tử vong trong các vụ tai nạn giao thông đường bộ tại Anh trong vòng 10 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, tỉ lệ này vẫn thấp hơn so với một số nước châu Âu khác như Pháp, Bồ Đào Nha và Ireland, nơi việc sử dụng đồ uống có cồn là nguyên nhân của khoảng trên 30% số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ.
Nam Phi có thể coi là một trong những nước có số người chết vì tai nạn giao thông cao nhất "Lục địa đen". Trong số hơn 10.000 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông mỗi năm ở Nam Phi, hơn một nửa trong số này là nạn nhân trực tiếp hoặc gián tiếp của hành vi lái xe sử dụng rượu bia. Theo cuộc khảo sát quốc tế thực hiện cách đây không lâu, Nam Phi đứng đầu thế giới về tỷ lệ vi phạm nồng độ cồn khi lái xe với 58% vụ tai nạn giao thông tại nước này có liên quan đến rượu bia
Vào dịp Giáng sinh và năm mới 2019, cảnh sát nước này đã bắt giữ hơn 1.000 trường hợp vi phạm luật giao thông các loại, trong đó hơn 50% liên quan đến việc sử dụng rượu bia khi lái xe. Ngay trong dịp nghỉ lễ Phục sinh hồi tháng Tư, cảnh sát nước này đã bắt giữ hơn 300 lái xe sử dụng rượu bia trong khi tham gia giao thông, bao gồm các trường hợp điều khiển ô tô với vận tốc lên tới 200km/h, trong khi phần lớn đường cao tốc tại Nam Phi hiện giới hạn tốc độ tối đa ở mức 120km/h.
Có thể thấy tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm quy định về nồng độ cồn xảy ra khá phổ biến, buộc chính phủ các nước phải áp dụng nhiều biện pháp kiên quyết, mạnh tay kết hợp với tuyên truyền, vận động tích cực để nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông, từ đó phòng chống vấn nạn vốn đe đọa tới sự an toàn và tính mạng của người dân này.