Bức tượng nói trên được phát hiện vào ngày 21/2, khi nhóm tình nguyện viên đang cùng triển khai dự án khôi phục vùng đầm lầy trong miệng núi lửa Rano Raraku.
Thông báo của cộng đồng bản địa Ma'u Henua nêu rõ: “Tượng Moai này có tiềm năng lớn đối với các nghiên cứu khoa học và tự nhiên. Đây là khám phá thực sự độc đáo vì lần đầu tiên một tượng đá Moai được phát hiện bên trong vùng hồ của miệng núi lửa Rano Raraku”.
Theo các chuyên gia, có thể hồ này đã từng khô cạn vào một thời điểm nào đó trước đây và người dân tại Rapa Nui đã muốn nhân cơ hội này để di chuyển bức tượng. Một số tượng Moai tại khu vực này đã bị cháy thành than trong đợt cháy rừng hồi tháng 10/2022.
Moai là những tượng đá được chạm khắc nguyên khối đặc biệt với khuôn mặt thon dài và không có chân. Những bức tượng này mang tính biểu tượng cho đảo Phục Sinh ở Chile và phần lớn được tạc từ tuff (một loại tro núi lửa) tại núi lửa Rano Raraku. Bức tượng Moai mới được phát hiện cao 1,6 m, được tìm thấy ở tư thế đang nằm nghiêng nhìn lên bầu trời. Cộng đồng bản địa Ma'u Henua cho biết họ "không có kế hoạch di chuyển bức tượng Moai khỏi vị trí này" và đang tìm kiếm nguồn tài chính để triển khai những nghiên cứu liên quan sâu rộng hơn.
Trên đảo Phục Sinh - cách đất liền của Chile khoảng 3.540 km - hiện vẫn còn nhiều tượng đá khổng lồ. Mỗi tượng đá có thể là sản phẩm của một cộng đồng riêng biệt. Tượng đá đầu tiên được cho là có từ thế kỷ 13. Tượng Moai được cho là di tích đại diện cho tổ tiên của cộng đồng người trên đảo, tạo thành địa điểm tập hợp để thực hiện các nghi lễ của cộng đồng. Núi lửa Rano Raraku và tượng đá Moai của Chile được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thế giới.