Theo đó, các nhà nghiên cứu đã giải trình tự bộ gene của những bệnh nhân mắc bệnh thận tự miễn và những người Australia bản địa (thổ dân) có tỷ lệ mắc bệnh thận cao. Họ đã phát hiện một đột biến trong gene VANGL1 là yếu tố nguy cơ chính khiến bệnh thận tiến triển. Khoảng 15% số người có đột biến này và nếu những người này cũng mắc một bệnh viêm nhiễm, thì thận của họ sẽ bị tổn thương.
Ông Simon Jiang, chủ nhiệm công trình nghiên cứu, chuyên gia của Trường Y khoa thuộc Đại học Quốc gia Australia (ANU), nhận định phát hiện này có thể có ý nghĩa lớn đối với người dân đảo Tiwi.
Quần đảo Tiwi bao gồm hai hòn đảo có người ở và 9 hòn đảo không có người ở ngoài khơi bờ biển phía Bắc Australia ở Biển Timor. Trên đảo Tiwi có 2.500 thổ dân sinh sống và tỷ lệ mắc bệnh về thận tại đảo này được coi là cao nhất thế giới.
Theo ông Jiang, tỷ lệ mắc bệnh của những người thổ dân trên đảo Tiwi cao 4 lần so với người thổ dân ở các vùng khác và cao hơn khoảng 11 lần so với những người Australia không phải là người bản địa. Ông cho biết thêm đột biến gene này rất phổ biến ở những người dân đảo Tiwi, cộng đồng dân cư có tỷ lệ mắc bệnh thận cao.
Thống kê của cơ quan y tế Australia cho thấy cứ 10 người Australia thì có 1 người có một số biểu hiện của bệnh thận mãn tính, còn gọi là suy thận mãn tính. Ước tính, trong năm 2018 có 16.800 ca tử vong liên quan đến căn bệnh này. Ở những người mắc căn bệnh này, chức năng thận bị suy giảm hoặc ngừng hoạt động, không thể đào thải các chất độc và dịch thừa ra khỏi máu.