Một nhóm các nhà nghiên cứu dẫn đầu bởi Giảng viên cao cấp, Tiến sĩ Szilvia Mezey tại Khoa Y sinh - Đại học Basel (Thuỵ Sĩ) và Giáo sư Jens Christoph Türp từ Trung tâm Y học Nha khoa Đại học Basel (UZB) đã phát hiện ra một bộ phận mới trong cơ thể người. Đó là một lớp cơ thứ ba nằm sâu trong cơ cắn (cơ masseter), một cơ rất quan trọng để nhai.
Sách giáo khoa Giải phẫu Hiện đại cho tới nay chỉ mô tả hai lớp của cơ cắn. Theo đó, cơ có hai lớp, một lớp sâu và một lớp bề mặt.
Nghiên cứu nói trên cho biết: "Một số văn bản lịch sử cũng đã đề cập đến sự tồn tại có thể có của lớp cơ thứ ba, nhưng những văn bản đó lại cực kỳ mâu thuẫn về vị trí của lớp cơ này". Trong khi đó, nghiên cứu có tiêu đề "Cơ bắp của con người được xem lại: Mô tả đầu tiên về bộ phận coronoid", được xuất bản trong tạp chí Annals of Anatomy, đã mô tả chi tiết lớp thứ ba của cơ cắn.
Các nhà nghiên cứu đã giải phẫu 12 đầu thi thể người, được bảo quản trong formaldehyde, và chụp CT 16 tử thi, đồng thời xem xét bản chụp MRI của một chủ thể sống. Họ đi đến xác định lớp cơ cắn thứ ba “khác biệt về mặt giải phẫu”.
Tiến sĩ Mezey, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết trong một tuyên bố: “Phần nằm sâu này của cơ masseter có thể phân biệt rõ ràng với hai lớp khác về quy trình và chức năng của nó”.
Đồng tác giả Türp cho biết thêm: “Mặc dù người ta thường cho rằng nghiên cứu giải phẫu trong 100 năm qua đã không để lại dấu mốc nào, nhưng phát hiện của chúng tôi giống như việc các nhà động vật học phát hiện ra một loài động vật có xương sống mới”.
Lớp thứ ba của cơ cắn có thể phân biệt rõ ràng với hai lớp phía trên về quy trình và chức năng của nó. Trong báo cáo, nhóm nghiên cứu viết, dựa trên sự sắp xếp của các sợi cơ, lớp cơ này có khả năng giúp ổn định hàm dưới bằng cách "nâng cao và thu lại" mỏm vẹt (coronoid process). Và trên thực tế, lớp cơ mới phát hiện được hình thành là phần duy nhất của cơ cắn có thể kéo xương hàm về phía sau – theo ông Mezey.
Các nhà nghiên cứu đã đề xuất đặt tên lớp cơ nói trên là “Musculus masseter pars coronidea” hay “phần mỏm vẹt của cơ cắn” do lớp cơ mới phát hiện được kết nối với một phần hình tam giác nhỏ của hàm dưới được gọi là mỏm vẹt.
Bạn có thể cảm thấy hơi kỳ lạ khi chứng kiến việc khám phá ra một cơ quan hoặc cơ bắp mới chưa từng được biết đến trong khi đã trải qua nhiều năm được dạy những bài học về giải phẫu, nhưng những trường hợp như vậy không phải là hiếm. Gần đây nhất vào năm 2020, một nhóm các nhà nghiên cứu khác đã phát hiện thêm một bộ tuyến nước bọt ngay bên trong đầu của chúng ta.
Vào tháng 10/2020, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng con người có một bộ tuyến nước bọt phụ chưa được phát hiện trước đây ngay bên trong đầu của chúng ta.
Phát hiện này khi đó đã khiến nhiều người tự hỏi liệu còn cơ quan bí ẩn nào trong cơ thể mà chúng ta chưa khám phá được hay không. Vì như đã biết, các nhà khoa học chỉ mới phát hiện ra âm vật trông như thế nào trong thập niên 2000.
Trong phát hiện năm 2020, "thực thể không xác định" đã được phát hiện một cách tình cờ. Một nhóm các nhà khoa học đã nghiên cứu bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt. Họ sử dụng một loại phương pháp chụp hình ảnh tiên tiến gọi là PSMA PET / CT. Và lần này, hình ảnh đã hiện lên một thứ gì đó khác.
Nhà nghiên cứu Wouter Vogel tại Viện Ung thư Hà Lan, giải thích: "Theo những gì chúng ta biết, các tuyến nước bọt hoặc tuyến nhầy duy nhất trong vòm họng có kích thước siêu nhỏ và có tới 1.000 tuyến rải đều khắp niêm mạc. Vì vậy, hãy tưởng tượng sự ngạc nhiên của chúng tôi khi tìm thấy tuyến này."
Cho đến nay, chúng ta đã biết về ba tuyến nước bọt chính: tuyến mang tai, tuyến dưới sụn và tuyến dưới lưỡi. Chúng có một vai trò trong quá trình tiêu hóa thức ăn. Ngoài ra, con người có khoảng 1.000 tuyến nước bọt cực nhỏ trải khắp khoang miệng và đường tiêu hóa. Nhưng chúng quá nhỏ để có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Trong khi đó, hệ thống tuyến nước bọt được phát hiện bởi nhóm của Tiến sĩ Vogel lớn hơn nhiều, nó nằm sau mũi, phía trên vòm miệng và gần tâm đầu của chúng ta.
Nhóm nghiên cứu đề xuất rằng vùng này nên được tránh trong quá trình điều trị bức xạ vì các tuyến nước bọt được biết là đặc biệt dễ bị tổn thương do phóng xạ.