Theo các nhà nghiên cứu, hóa thạch chim cánh cụt khổng lồ được tìm thấy có chiều cao 1,6m, nặng 80 kg, gấp 4 lần khối lượng và cao hơn 40 cm so với chim cánh cụt Hoàng đế hiện đại.
Các nhà khoa học xác định tên khoa học của loài chim cánh cụt này là "crossvallia waiparensis". Loài chim này chuyên săn mồi tại vùng bờ biển của New Zealand kỷ Paleocene cách đây khoảng 66 - 56 triệu năm.
Theo nhà nghiên cứu thuộc Viện bảo tàng Canterbury, bà Vanesa De Pietri, đây là hóa thạch chim cánh cụt khổng lồ thứ 2 thuộc kỷ Paleocene được tìm thấy tại khu vực nói trên. Bà cho rằng phát hiện này củng cố giả thuyết của giới khoa học cho rằng loài chim cánh cụt có kích thước lớn ở giai đoạn đầu thời kỳ tiến hóa.
Trước đó, các nhà khoa học phỏng đoán sự biến mất hoàn toàn loài chim cánh cụt khổng lồ là do sự xuất hiện của các loài động vật biển ăn thịt lớn như hải cẩu và cá voi có răng.
Lâu nay, New Zealand nổi tiếng là nơi phát hiện hóa thạch chim khổng lồ đã tuyệt chủng, trong đó có loài chim giống như đà điểu cao tới 3,6m và chim đại bàng có sải cánh dài tới 3m. Tuần trước, Viện Bảo tàng Canterbury cũng thông báo việc tìm thấy hóa thạch vẹt khổng lồ cao tới 1m và tồn tại cách đây 19 triệu năm.