Với mức thâm hụt ngân sách không nhỏ và nợ công cao kỷ lục, Pháp đang cố gắng vận động cho các giải pháp vực dậy hệ thống ngân hàng châu Âu, khi muốn bảo đảm rằng nền kinh tế lớn thứ hai Khu vực đồng euro (Eurozone) không bị cuốn vào "trò chơi đôminô" trong cuộc khủng hoảng nợ công vẫn đang hoành hành hiện nay.
Để ngăn đứng "quả bóng tuyết" khủng hoảng nợ, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã ngay lập tức đề xuất và ủng hộ các biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan khủng hoảng. Chính phủ Pháp đứng đằng sau ý tưởng thành lập một liên minh ngân hàng ở châu Âu, với một cơ quan giám sát chung, các khoản bảo lãnh tiền gửi và một quỹ tài trợ cho các ngân hàng có vấn đề.
Tổng thống Pháp Francois Hollande đã đề xuất và ủng hộ các biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan khủng hoảng. Nguồn: Internet |
Đồng thời, Pháp cũng kêu gọi triển khai các giải pháp tức thời để bảo vệ các ngân hàng trước những rủi ro liên quan đến số nợ của các nước Nam Âu, với ý thức rõ rằng cuộc khủng hoảng sẽ xấu đi nhanh chóng. Tuy nhiên, việc sử dụng các quỹ cứu trợ của khu vực để tái cấp vốn trực tiếp cho các ngân hàng như mong muốn của Pháp đang vấp phải sự phản đối từ phía Đức.
Lý do đơn giản đằng sau quan điểm của Pháp chính là việc nước này hiểu rõ rằng sau Italia, danh sách nạn nhân của khủng hoảng có thể có tên nước Pháp. Khủng hoảng nợ đã lan từ Hy Lạp tới Ailen rồi Bồ Đào Nha, buộc các nước này phải kêu gọi những gói cứu trợ quốc tế, trong khi Tây Ban Nha tháng này đã yêu cầu sự trợ giúp cho các ngân hàng và mới nhất, Cộng hòa Sip (Síp) cũng đã phải cầu cứu bên ngoài. Rõ ràng là Pháp cùng với các nước khác hiện vẫn giữ được mức tín nhiệm vàng AAA sẽ cảm nhận được sức nóng của khủng hoảng nếu không có những tiến triển đáng kể trong việc san sẻ những rủi ro.
Mặc dù lãi suất trái phiếu của Pháp vẫn ở mức thấp kỷ lục, khi các nhà đầu tư vẫn coi trái phiếu của một nền kinh tế chủ chốt của châu Âu là kênh đầu tư tương đối an toàn, song tình hình tài chính của Pháp không tốt như Đức, khi các ngân hàng Pháp đang nắm giữ lượng lớn trái phiếu của Hy Lạp và Italia. Các ngân hàng BNP Paribas, Societe Generale, Credit Agricole, BPCE và Dexia của Pháp đang nắm giữ tổng cộng 32,5 tỷ euro trái phiếu của Italia.
Các cơ quan xếp hạng tín nhiệm đã nhiều lần cảnh báo khả năng nước Pháp phải cứu trợ các ngân hàng là yếu tố gây bất lợi cho mức xếp hạng của nước này. Hồi tháng 1/2012, Standard & Poor's đã đánh tụt xếp hạng của Pháp một bậc từ mức AAA. Trong khi đó, Moody's mới đây đã hạ mức tín nhiệm của các ngân hàng Pháp là BNP Paribas, Societe Generale và Credit Agricole và cho rằng chưa có gì rõ ràng về sự chuẩn bị của nước Pháp cho việc hỗ trợ các ngân hàng.
Cùng với đó, Pháp cũng đang cần tìm kiếm 7-10 tỷ euro để hạ thâm hụt ngân sách xuống mức mục tiêu. Thâm hụt của Pháp trong năm 2011 tương đương 5,2% GDP và mục tiêu được đặt ra cho năm 2012 là 4,4%, trước khi giảm xuống mức khoảng 3% trong năm 2013 và cân bằng vào năm 2017. Trong khi đó, tổng các khoản nợ của Pháp đang ở mức kỷ lục là 90% GDP vav vẫn có chiều hướng gia tăng.
TTXVN/ Tin Tức