Pháp tăng cường thêm 1.500 binh sĩ tại Paris

Ngày 14/11, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã ra lệnh triển khai thêm 1.500 binh sĩ tại thủ đô Paris sau loạt vụ tấn công đẫm máu nhất tại Pháp kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ 2.


Chuyển người bị thương tại hiện trường vụ tấn công gần nhà hát Bataclan, trung tâm Paris ngày 13/11. Ảnh: AFP/TTXVN

Các quan chức Pháp cho biết, ít nhất 5 kẻ tấn công đã bị lực lượng an ninh Pháp tiêu diệt. Trong số này có ít nhất 3 tên bị bắn chết tại nhà hát Bacaclan. Hiện một số tên có thể vẫn đang lẩn trốn.

Cùng ngày, người phát ngôn Thủ tướng Bỉ cho biết nước này đã triển khai các biện pháp kiểm soát biên giới đối với đường bộ, tàu lửa và hàng không đối với các chuyến đi xuất phát từ Pháp sau khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố ở Paris. Theo quan chức này, Thủ tướng Bỉ Charles Michel sẽ triệu tập nội các an ninh vào hồi 9 giờ (8 giờ GMT) ngày 14/11 để xem xét các phản ứng đối với loạt vụ tấn công trên ở quốc gia láng giềng. Người phát ngôn Thủ tướng Bỉ nhấn mạnh nước này sẽ không đóng cửa biên giới mà sẽ tăng cường hoạt động kiểm tra các hành khách tới từ Pháp.

Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã bày tỏ tình đoàn kết với Pháp khi tuyên bố “Canada sát cánh cùng Pháp trong thời điểm khó khăn hiện nay và sẵn sàng cung cấp mọi sự hỗ trợ có thể”.

Trong khi đó, thành phố New York, Mỹ đã được đặt trong tình trạng báo động cao, lực lượng cảnh sát chống khủng bố đã được tăng cường tới các địa điểm đông người và các nơi có lợi ích của Pháp.

*Italy thiết lập mức báo động tối đa sau vụ tấn công khủng bố ở Paris

Đêm 13/11, ngay sau khi các vụ tấn công khủng bố diễn ra tại thủ đô Paris của Pháp làm hàng trăm người chết và nhiều người bị thương, Bộ trưởng Nội vụ Italy Angelino Alfano đã cho ban bố mức báo động tối đa để đảm bảo an ninh cho nước này và Tòa thánh Vatican.

Cảnh sát và quân đội Italy đã được tăng cường trước các cơ quan của chính phủ, Tòa thánh Vatican và những cơ quan đại diện các nước đồng minh NATO ở thủ đô Rome và các thành phố lớn trong cả nước. Các cơ sở ngoại giao, văn hóa và giáo dục có liên quan đến Pháp cũng được tăng cường bảo vệ. Bộ trưởng Alfano đã tuyên bố triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng an ninh quốc gia vào trưa 14/11.

Italy đã được đặt trong tình trạng báo động kể từ đầu năm nay, sau khi xảy ra vụ tấn công tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo đầu năm nay, khiến 12 người thiệt mạng. Mối lo ngại lúc này đang tăng lên, bởi vụ xả súng ở Paris đêm 13/11 xảy ra khi Năm thánh chỉ còn ba tuần lễ nữa là bắt đầu. Đây là sự kiện đặc biệt do Vatican tổ chức mà Italy đóng vai trò đảm bảo an ninh. Sự kiện quan trọng với đời sống của hơn 1 tỉ giáo dân Công giáo này dự kiến sẽ kéo dài gần một năm, bắt đầu từ ngày 8/12 tới đến tháng 11/2016, ước tính thu hút từ 25 đến 30 triệu lượt khách hành hương và du lịch từ khắp nơi trên thế giới tới Rome.

Có nhiều cảnh báo cho rằng, Vatican có thể sẽ là mục tiêu tấn công tiếp theo của khủng bố quốc tế. Cơ quan an ninh Italy, đại diện chính phủ và chính quyền thủ đô Rome và Tòa thánh sẽ có cuộc họp đặc biệt về vấn đề an ninh trong thời gian sớm nhất để bàn thêm về các biện pháp an ninh cho Năm thánh.

Ngay sau khi loạt vụ tấn công Paris xảy ra, Thủ tướng Italy Matteo Renzi đã bày tỏ sự đau buồn. Ông nói: "Đất nước Italy khóc cho các nạn nhân của vụ tấn công ở Paris và bày tỏ sự chia buồn với nỗi đau của những người anh em Pháp. Châu Âu bị tổn thương sẽ biết cách phản ứng trước những kẻ man rợ". Trong khi đó, Tổng thống Italy Sergio Mattarella cũng gửi điện chia buồn đến người đồng cấp bên phía Pháp Francois Hollande.

TN (Theo BBC, Reuters, AFP)
Giây phút hoảng loạn trên sân Stade de France
Giây phút hoảng loạn trên sân Stade de France

Trận bóng đá giao hữu giữa Pháp và Đức đã trở thành kỷ niệm đau buồn khó phai nhất của các cầu thủ và cổ động viên trên sân khi vụ khủng bố đẫm máu tại Paris khiến mọi người hoảng loạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN