Trong tuyên bố đăng trên mạng xã hội X, Thủ tướng Attal nêu rõ việc tài trợ lô vaccine trên sẽ được thực hiện thông qua Liên minh châu Âu (EU). Bên cạnh đó, với mục tiêu sẵn sàng đối diện mọi tình huống và ứng phó với mọi nguy cơ bùng phát dịch bệnh, cơ quan chức năng Pháp đã thiết lập khoảng 232 trung tâm tiêm chủng ở nước này.
Cho đến nay Pháp chưa ghi nhận trường hợp nào mắc mpox. Tuy nhiên, động thái phòng ngừa dịch bệnh được triển khai sau khi Thụy Điển tuần qua trở thành quốc gia đầu tiên ngoài châu Phi ghi nhận ca nhiễm biến thể Clade 1b của virus gây bệnh mpox. Clade 1b có độc lực và khả năng lây lan cao hơn so với biến thể Clade 2b từng gây bùng dịch mpox tại nhiều nơi trên thế giới năm 2022. Clade 1b được xác định là nguyên nhân khiến 570 người tử vong tại CHDC Congo kể từ đầu năm 2024 đến nay. Burundi, Kenya, Rwanda và Uganda cũng đã ghi nhận các đợt bùng phát dịch bệnh kể từ tháng 7 vừa qua. Vào ngày 14/8, WHO đã ban bố trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu vì mpox ở châu Phi; kêu gọi tăng cường sản xuất vaccine, đồng thời nhấn mạnh các quốc gia bị ảnh hưởng của dịch bệnh phải ưu tiên hàng đầu cho các chiến dịch tiêm phòng. Mới đây, ngày 20/8, Mỹ tuyên bố tài trợ 50.000 liều vaccine ngừa mpox cho CHDC Congo.
Tuần trước, cơ quan y tế của Liên minh châu Phi (AU) cho biết việc tiêm phòng khoảng 200.000 liều vaccine sẽ được triển khai trên khắp châu lục này, nhờ các thỏa thuận với EU và công ty dược phẩm Bavarian Nordic của Đan Mạch - vaccine ngừa mpox của nhà sản xuất này đã được phê duyệt vào năm 2019.
* Cũng trong ngày 20/8, theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, kể từ đầu tháng 8 đến nay, Côte d'Ivoire đã ghi nhận 28 ca mắc mpox, trong đó có 1 ca tử vong. Hiện Viện Vệ sinh Công cộng Quốc gia (INHP) đang tiến hành giải trình tự gene đối với mẫu bệnh phẩm của các ca này. 4Bác sĩ Daouda Coulibaly tại INHP nhận định tình hình hiện chưa ở mức báo động, song giới chức trách đã tăng cường theo dõi sát mọi diễn biến.
Cùng ngày, trước tình hình "điểm nóng" dịch mpox tại CHDC Congo, cơ quan hữu quan Uganda đã tăng cường giám sát khu vực biên giới với quốc gia láng giềng này.
Hiện Uganda chưa ghi nhận trường hợp nào mắc mpox. Tuy nhiên, Bộ Y tế nước này đã chỉ định hơn 20 huyện dọc biên giới với CHDC Congo là khu vực có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh. Bộ cũng đã triển khai một chương trình đào tạo toàn quốc cho các nhân viên y tế để giúp họ phát hiện và cách ly tốt hơn các ca nghi mắc. Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông rủi ro để phòng ngừa, đồng thời đảm bảo rằng các cơ sở xét nghiệm được kích hoạt xét nghiệm kịp thời cho các ca nghi mắc mpox.