Pháp, Mỹ, Anh hối thúc Hội đồng Bảo an trừng phạt Triều Tiên

Ngày 3/8, Pháp, Mỹ và Anh hối thúc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) thông qua các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên trong bối cảnh nhiều tuần đàm phán về các biện pháp này đang có tiến triển.

Trong một tháng nay, Mỹ đã bắt đầu các cuộc đàm phán với Trung Quốc về một dự thảo nghị quyết mới của LHQ, siết chặt trừng phạt đối với Triều Tiên sau khi nước này tiến hành vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên ngày 4/7. Phát biểu trước báo giới, Đại sứ Pháp tại LHQ Francois Delattre cho biết Pháp muốn thấy một nghị quyết với "các lệnh trừng phạt bổ sung và mạnh mẽ" được thông qua trong những ngày tới.

Tên lửa liên lục địa Hwasong-14 của Triều Tiên chuẩn bị được phóng tại một địa điểm ở Triều Tiên. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Theo Đại sứ Anh tại LHQ Matthew Rycroft, các cuộc đàm phán đang tiến triển nhằm gây sức ép buộc Triều Tiên ngừng các chương trình quân sự của mình. Ông Rycroft cũng kêu gọi HĐBA đối phó một cách nhanh chóng và mạnh mẽ bằng một gói trừng phạt mới.

Theo quan điểm của Mỹ, cần đưa vào gói trừng phạt mới của LHQ các biện pháp như cắt nguồn cung dầu lửa của Triều Tiên, cấm người lao động Triều Tiên hoặc áp đặt các hạn chế mới đối với hàng không và hàng hải... Tuy nhiên, Nga cảnh báo bất cứ biện pháp trừng phạt mới nào đều sẽ tác động đến cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Triều Tiên.

Hiện một dự thảo nghị quyết mới vẫn chưa được chính thức trình HĐBA, tuy nhiên việc thỏa thuận giữa 5 ủy viên thường trực (gồm Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc và Pháp) sẽ là cần thiết để mở đường thông qua các biện pháp trừng phạt. Kể từ vụ thử hạt nhân đầu tiên năm 2006, đến nay, LHQ đã áp đặt 6 nghị quyết trừng phạt Triều Tiên, trong đó 2 lệnh trừng phạt hồi năm 2016 là nghiêm ngặt nhất.

Dự kiến, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cuối tuần này bên lề hội nghị ngoại trưởng Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Manila.

Trong một diễn biến khác, cùng ngày 3/8, Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Paul Selva cho biết còn rất nhiều điều chưa rõ về chương trình hạt nhân của Triều Tiên và đây là thách thức an ninh số 1 của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Phát biểu tại một diễn đàn, ông Selva cũng cho biết trước khi có thể xác nhận Triều Tiên sở hữu một tên lửa hạt nhân có khả năng nhắm tới Mỹ, cần xác thực một số vấn đề.

Theo ông, Triều Tiên không những phải có một tên lửa có tầm bắn xa như vậy mà cần có một hệ thống dẫn đường tên lửa với phạm vi liên lục địa mà không bị gián đoạn, một thiết bị có thể tồn tại sau khi trở lại bầu khí quyển, và một vũ khí hạt nhân có thể hoạt động được sau hành trình đó. Giới chức Mỹ cho rằng các vụ thử ICBM của Triều Tiên đã chứng minh tầm bắn của những tên lửa này. Tuy nhiên, ông Selva nói rằng vẫn chưa rõ về những vấn đề còn lại.

Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp, Trợ lý Tổng thư ký LHQ phụ trách các vấn đề chính trị Tayé-Brook Zerihoun cho rằng các biện pháp trừng phạt chỉ phát huy hiệu quả khi nó góp phần tạo nên một chiến lược chính trị toàn diện, được sử dụng cùng với các công cụ khác quy định trong hiến chương nhằm ngăn chặn và giải quyết hòa bình các cuộc xung đột. 

Trợ lý Tổng thư ký LHQ phụ trách các vấn đề chính trị Tayé-Brook Zerihoun. 

Ông Zerihoun nhận định, trong bối cảnh LHQ đang sử dụng các biện pháp trừng phạt nhằm đối phó với những thách thức lâu dài để bảo vệ an ninh và hòa bình thế giới, việc xem xét lại tính hiệu quả là hết sức cấp thiết. 

Ông Zerihoun cũng cho biết các biện pháp trừng phạt đều được thông qua tại trụ sở LHQ ở New York, và được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như ngân hàng, hàng không... trên toàn thế giới. Do đó, các biện pháp trừng phạt chỉ phát huy hiệu quả khi được tất cả các quốc gia thành viên và cả cộng đồng thế giới ủng hộ. 

Cũng theo quan chức trên, các biện pháp trừng phạt đóng vai trò quan trọng, có thể giúp ngăn chặn các âm mưu lật đổ các chính phủ hợp pháp, ngăn chặn các hoạt động khai thác tài nguyên bất hợp pháp nhằm hỗ trợ tài chính cho các tổ chức có vũ trang, hoặc các hoạt động xâm phạm tình dục trong cuộc xung đột. 

Các biện pháp trừng phạt cũng nhằm hướng tới hỗ trợ thực thi các hiệp định hòa bình và các nỗ lực xây dựng hòa bình. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt là công cụ linh hoạt, cần được xem xét thường xuyên để có những điều chỉnh phù hợp và chấm dứt khi cần. 

HĐBA LHQ hiện đang áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào hàng chục quốc gia và tổ chức khác nhau như Somali, Triều Tiên, CHDC Conggo, Sudan, Libya, CH Trung Phi, tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, Al-Qaeda, Taliban... 

Năm 2016, HĐBA đã chấm dứt các biện pháp trừng phạt đối với Iran, Côte d'Ivoire và Liberia. Tính tới ngày 31/7 vừa qua, có tới 654 cá nhân và 377 thực thể nằm trong danh sách các đối tượng bị áp đặt lệnh trừng phạt của HĐBA.

TTXVN/Tin Tức
Lo ngại tên lửa ICBM, hãng Air France mở rộng vùng cấm bay quanh Triều Tiên
Lo ngại tên lửa ICBM, hãng Air France mở rộng vùng cấm bay quanh Triều Tiên

Liên doanh hàng không Pháp - Hà Lan Air France - KLM ngày 3/8 đã thông báo mở rộng vùng cấm bay quanh Triều Tiên đối với các chuyến bay của hãng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN