Pháp công bố gói hỗ trợ mới cho nông dân

Ngày 3/9, Chính phủ Pháp đã công bố các biện pháp hỗ trợ tài chính cho nông dân nước này, bao gồm giảm thuế, hỗ trợ đầu tư và hoãn thông qua các tiêu chuẩn môi trường mới.

Quyết định được đưa ra sau khi nông dân Pháp huy động hơn 1.500 máy kéo đổ về thủ đô Paris để bày tỏ sự giận dữ vì giá nông sản liên tục giảm thời gian qua, đồng thời phản đối các quy định tiêu chuẩn ngặt nghèo làm tăng chi phí sản xuất.

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, tại cuộc họp báo sau khi tiếp đại diện của Liên đoàn quốc gia nông dân Pháp (FNSEA), Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã công bố các biện pháp hỗ trợ mới cho nông dân bao gồm tăng ngân sách chính phủ trợ giúp đầu tư lên mức 350 triệu euro mỗi năm. Trong vòng 3 năm tới, cùng với Liên minh châu Âu (EU) và các chính quyền vùng, ngân sách hỗ trợ đầu tư sẽ lên tới 3 tỷ euro (3,3 tỷ USD).

Nông dân Pháp biểu tình tại La Roche-sur-Yon ngày 13/8, phản đối các điều kiện tài chính khó khăn họ phải đối mặt. Ảnh: AFP/TTXVN


Số tiền này cao hơn nhiều so với khoản tiền 600 triệu trong chương trình cứu trợ khẩn cấp được chính phủ Pháp công bố ngày 22/7 vừa qua. Thủ tướng Manuel Valls nhấn mạnh các biện pháp ưu tiên là ngăn chặn đà giảm giá nông phẩm bằng việc duy trì áp lực đối với các nhà chế biến công nghiệp và các tập đoàn phân phối bán lẻ đồng thời thông báo gia hạn một năm trả nợ ngân hàng đối với các nông dân đang gặp khó khăn nếu họ có yêu cầu.

Trước ý kiến cho rằng các tiêu chuẩn về vệ sinh, môi trường ở Pháp là quá cao khiến người nông dân phải tăng chi phí sản xuất để đáp ứng các yêu cầu đó, Thủ tướng Manuel Valls khẳng định nước Pháp không đặt ra những quy định "ngặt nghèo" tiêu chuẩn chung của châu Âu và cam kết rằng từ nay đến tháng 2/2016, sẽ không có tiêu chuẩn quốc gia về môi trường cao hơn tiêu chuẩn của EU được thông qua. Sau thời điểm đó, nông dân sẽ được mời tham gia vào việc xây dựng các biện pháp bảo vệ môi trường. Ngoài ra, Thủ tướng Pháp cũng thông báo các biện pháp hỗ trợ khác cho nông dân như tăng gấp đôi khoản hỗ trợ trả lãi suất vay ngân hàng, tăng gấp ba khoản hỗ trợ đóng góp xã hội, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế…

Các biện pháp đạt được với chính phủ được Chủ tịch của FNSEA Xavier Beulin coi như một chiến thắng. Phát biểu trước hàng nghìn nông dân tập trung tại Quảng trường Nation ở trung tâm Paris, ông cho rằng "Chính phủ đã lắng nghe thông điệp của nông dân". Mặc dù vậy, một bộ phận nông dân vẫn chưa thỏa mãn với các biện pháp được công bố và cho rằng Chủ tịch của FNSEA đã dễ dàng chấp nhận những đề nghị do Chính phủ đưa ra.

Trên thực tế, cuộc khủng hoảng nông nghiệp hiện nay có nhiều căn nguyên sâu xa. Theo phân tích của các chuyên gia, nông dân Pháp đang là nạn nhân của nền nông nghiệp sản xuất dư thừa với các sản phẩm cung cấp cho thị trường nhiều hơn nhu cầu tiêu dùng. Nền nông nghiệp Pháp cũng tỏ ra kém cạnh tranh hơn về quy mô, cách thức và chi phí sản xuất so với các nước láng giềng như Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha. Bên cạnh đó, việc mất cân bằng về lợi ích trong chuỗi liên kết giữa người sản xuất, doanh nghiệp chế biến và kinh doanh cũng là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng nông nghiệp hiện nay.

Trước đó, ngay từ sáng sớm ngày 3/9, hơn 1.500 máy kéo và 91 xe buýt chở khoảng 5.000 nông dân đã tới Paris để tham gia cuộc biểu tình nhằm gây sức ép lên Chính phủ Pháp, yêu cầu phải có biện pháp hỗ trợ người nông dân, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất sữa và chăn nuôi gia súc. Nhiều nông dân đã bày tỏ sự thất vọng vì không thể sống bằng nghề, đồng thời kêu gọi thay đổi mang tính hệ thống chứ không chỉ là những khoản trợ cấp ngắn hạn.

Dự kiến vào đầu tuần tới, các bộ trưởng nông nghiệp EU sẽ nhóm họp để thảo luận về những khó khăn mà ngành chăn nuôi khu vực này đang phải đối mặt. Thủ tướng Manuel Valls cho biết Pháp sẽ kêu gọi tăng giá tối thiểu đối với sữa, khuyến khích xuất khẩu và dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt lợn của Nga được áp đặt từ năm ngoái.

TTXVN/Tin Tức
Nông nghiệp Pháp trước hai ngã rẽ
Nông nghiệp Pháp trước hai ngã rẽ

Chặn các tuyến đường cao tốc, chặn cửa ngõ thành phố, lùa lợn vào siêu thị, chất đống phân bón, đốt rơm và lốp xe tại nhiều thành phố và thị trấn… Đó là những gì mà nông dân Pháp đang làm để phản đối tình trạng giá nông sản rớt thê thảm, khiến họ có nguy cơ phá sản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN