Tại chuyến thăm, nữ Bộ trưởng Yellen đã đưa ra kế hoạch chính thức hóa đối thoại với Trung Quốc về tình trạng sản xuất dư thừa trong xe điện (EV), pin và tấm năng lượng Mặt Trời, đồng thời nhấn mạnh rằng Washington sẽ không chấp nhận việc ngành công nghiệp Mỹ bị tàn phá bởi các hàng hoá giá rẻ của Trung Quốc. Đáp lại trước những tuyên bố cứng rắn của Mỹ, Bộ tài chính Trung Quốc đã trả lời rằng họ đã hoàn toàn giải quyết được những lo ngại của bà Yellen.
Tại một cuộc thảo luận với các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc ở Paris ngày 8/4, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Wang Wentao cho biết những tuyên bố của Mỹ và châu Âu về tình trạng dư thừa công suất là không có căn cứ, đồng thời cho biết thêm sự trỗi dậy của Trung Quốc trong các ngành này được thúc đẩy bởi sự đổi mới và hệ thống chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, cùng nhiều yếu tố khác.
Các nhà phân tích chỉ ra trong phản ứng mới nhất của Trung Quốc, Bắc Kinh muốn nhấn mạnh vào hệ thống sản xuất của nước này đơn giản là mang tính cạnh tranh hơn. Phản ứng này cũng đánh dấu một sự thay đổi mạnh mẽ so với chỉ một tháng trước, chính các quan chức của Trung Quốc bao gồm Thủ tướng Lý Cường đưa ra cảnh báo của về tình trạng dư thừa công suất.
Giới phân tích cũng cho rằng phản ứng mạnh mẽ mới nhất của Bắc Kinh trái ngược với những cử chỉ tương tác nồng nhiệt giữa nữ Bộ trưởng Yellen và các quan chức Trung Quốc trong chuyến thăm của bà, là dấu hiệu cho thấy hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ngày càng xa cách và gia tăng nguy cơ gây căng thẳng thêm cho hai bên.
Tranh cãi về tình trạng dư thừa công suất giữa Mỹ và Trung Quốc bắt nguồn từ việc Washington và Brussels tố chính phủ Trung Quốc hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước, thêm vào đó là nhu cầu trong nước suy giảm đã đẩy nguồn cung vượt quá mức của Trung Quốc ra thị trường toàn cầu, dẫn đến nguy cơ phá giá thị trường và làm nguy hại đến các công ty Mỹ, EU vốn kiếm sống và tồn tại nhờ lợi nhuận.
Về phần mình, Trung Quốc phủ nhận các khoản trợ cấp và chỉ ra Mỹ và EU cũng có các chương trình của chính phủ để hỗ trợ các ngành công nghiệp của chính họ.
Không chỉ vậy, Trung Quốc cho rằng tình trạng dư thừa công suất không chỉ xảy ra duy nhất tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong một lần trả lời hãng tin trong nước, Thứ trưởng Tài chính Liao Min từng khẳng định: “Cái gọi là ‘dư thừa công suất’ là biểu hiện của cơ chế thị trường đang hoạt động, trong đó sự mất cân bằng cung cầu thường là bình thường. Điều này có thể xảy ra ở bất kỳ hệ thống kinh tế thị trường nào, kể cả ở Mỹ và các nước phương Tây khác, và nó cũng đã xảy ra rất nhiều lần trong quá khứ”.
Ngoài ra, Trung Quốc khẳng định cung và cầu cần được xem xét từ góc độ toàn cầu, đặc biệt trước những lời chỉ trích của phương Tây tập trung vào các ngành công nghiệp then chốt đáp ứng mục tiêu khí hậu cho toàn hành tinh.
Việc Mỹ nêu lo ngại trước tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc không phải là điều quá mới mẻ. Hơn một thập kỷ trước, Washington cũng phàn nàn ngành thép của Mỹ đã bị tê liệt do Trung Quốc sản xuất thép quá mức, buộc Trung Quốc phải bán phá giá với giá rất thấp.
Hiện Trung Quốc coi “ba ngành công nghiệp mới” bao gồm xe điện, pin và năng lượng Mặt Trời là chìa khóa cho sự phát triển đất nước.
Dữ liệu chính thức cho thấy vào năm 2023, xuất khẩu của ba ngành mới đạt tổng cộng 1,06 nghìn tỷ nhân dân tệ, tăng 29,9% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng chúng chỉ chiếm 4,5% tổng kim ngạch xuất khẩu bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc
Trong lĩnh vực ô tô, Trung Quốc cho rằng tình trạng dư thừa công suất tập trung ở ô tô động cơ đốt trong thay vì xe điện và cho biết các đối thủ yếu kém sẽ bị loại bỏ do cơ chế thị trường.
Hơn nữa, một số mẫu xe của nhà sản xuất xe điện Trung Quốc BYD được bán ở Đức với giá cao hơn gấp đôi ở Trung Quốc. Đây cũng là một lập luận mà phía Trung Quốc đưa ra để phản bác lại những lo ngại của châu Âu về việc định giá không công bằng.
Trung Quốc cũng cho biết nhiều công ty của họ có tính sáng tạo cao hơn, do đó có tính cạnh tranh cao hơn. Nó có thể dẫn đến việc vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế.