Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga thông báo về việc phái đoàn nước này chuẩn bị sang Bình Nhưỡng, trong cuộc họp báo tại Tokyo ngày 22/10. Ảnh: Kyodo/ TTXVN |
Phái đoàn gồm 10 thành viên thuộc Bộ Ngoại giao, Cơ quan Cảnh sát Quốc gia, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi và Cơ quan phụ trách vấn đề bắt cóc thuộc Nội các Nhật Bản, do Vụ trưởng Vụ Các vấn đề châu Á và châu Đại Dương thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản Ihara Junichi dẫn đầu.
Trong 4 ngày lưu lại Triều Tiên, phái đoàn này dự kiến sẽ gặp các quan chức thuộc Ủy ban điều tra đặc biệt của Triều Tiên trong hai ngày 28-29/10 để tìm hiểu thông tin về số phận của 12 công dân Nhật bị bắt cóc đến nay vẫn chưa được làm rõ.
Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 11/2004, Chính phủ Nhật Bản cử phái đoàn sang Triều Tiên tìm hiểu về vấn đề trên. Chuyến đi được thực hiện sau khi Đại sứ Triều Tiên phụ trách vấn đề đàm phán bình thường hoá quan hệ với Nhật Bản Song Il Ho hồi cuối tháng 9/2014 đề nghị các quan chức Nhật Bản sang Bình Nhưỡng gặp các thành viên của uỷ ban điều tra và trực tiếp đặt câu hỏi với họ để Tokyo có thể hiểu hơn về thực trạng hiện nay của tiến trình điều tra.
Việc Nhật Bản lập đoàn công tác sang Triều Tiên nằm trong thỏa thuận song phương về vấn đề trên, được hai bên nhất trí trong cuộc gặp ngày 29/9 tại Thẩm Dương (Trung Quốc).
Hồi tháng 5 vừa qua, Triều Tiên đã đồng ý thành lập một ủy ban đặc biệt điều tra toàn diện vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc. Đáp lại, Nhật Bản quyết định dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt chống Triều Tiên, nhưng cũng cảnh báo sẽ gia tăng các biện pháp trừng phạt nếu thấy các hoạt động điều tra của Bình Nhưỡng chỉ nhằm kéo dài thời gian.
Theo kế hoạch, Triều Tiên phải đưa ra báo cáo đầu tiên về tiến trình điều tra vào cuối mùa hè hoặc đầu mùa thu năm nay. Tuy nhiên, trong tháng 9 vừa qua, Bình Nhưỡng đã thông báo do nỗ lực này vẫn đang ở "giai đoạn đầu" nên chưa thể đưa ra những giải thích thấu đáo.
Năm 2002, Triều Tiên thừa nhận đã bắt cóc 13 người Nhật Bản trong thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước, trong đó 8 người đã qua đời tại Triều Tiên, 5 người còn lại đã được trả về Nhật Bản. Trong khi đó, Tokyo cho rằng có 17 người Nhật Bản đã bị bắt cóc, đồng thời yêu cầu Bình Nhưỡng tiếp tục điều tra và trao trả 12 người được cho là hiện vẫn sống tại Triều Tiên.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cam kết giải quyết vấn đề trên trong thời gian ông còn tại vị.
TTXVN/Tin tức