Pfizer chậm bàn giao vaccine, Italy cảnh báo hành động pháp lý

Ngày 19/1, ủy viên đặc biệt phụ trách ứng phó với COVID-19 của Italy Domenico Arcuricho cảnh báo nước này sẽ có hành động pháp lý nhằm vào hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ liên quan đến việc chậm bàn giao vaccine ngừa COVID-19.

Chú thích ảnh
Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo ông Arcuricho, việc bảo vệ sức khỏe người dân Italy không phải vấn đề có thể thương lượng. Quan chức này cho biết các bộ trưởng và lãnh đạo các vùng đã nhóm họp để cân nhắc biện pháp bảo vệ người dân nước này và nhất trí rằng có hành động pháp lý trong vài ngày tới đối với Pfizer.

Vaccine ngừa COVID-19 do hai hãng Pfizer và BioNTech phát triển trong một thời gian ngắn kỷ lục và đã được đưa vào sản xuất ngay sau khi được Liên minh châu Âu (EU) cấp phép vào cuối tháng 12/2020. Tuy nhiên, ngày 15/1 vừa qua, Pfizer cho biết việc vận chuyển vaccine sẽ bị trì hoãn trong vòng 3 - 4 tuần do tiến độ sản xuất tại nhà máy chính của hãng ở Bỉ. Sau đó, Pfizer và BioNTech thông báo sẽ rút ngắn thời gian chậm giao hàng xuống còn 1 tuần. 

Việc trì hoãn này đã gây quan ngại cho các nước châu Âu, trong bối cảnh nhiều nước EU chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 và Italy là quốc gia bị tác động mạnh nhất. 

Theo ông Arcuri, 29% trong số vaccine đã cam kết không được chuyển đến Italy trong tuần này. 

Theo thống kê của trang worldmeters.info, đến nay Italy đã ghi nhận 2.400.598 người mắc COVID-19, trong đó có 83.157 ca tử vong. Nước này đã chủng ngừa cho hơn 1,2 triệu người. 

Cũng liên quan đến vaccine Pfizer/BioNTech, ngày 19/1, kết quả thử nghiệm trong phòng thí nghiệm được công bố cho thấy vaccine này có khả năng chống lại biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện ở Anh và hiện đã lây lan khắp thế giới.

Kết quả đáng khích lệ này dựa trên cơ sở phân tích mẫu máu của 16 người đã tiêm vaccine trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng trước đó. Những người này được tiếp xúc với một virus nhân tạo, được gọi là virus mô phỏng, có bề mặt protein giống như biến thể được phát hiện tại Anh và 10 đột biến đặc trưng của biến thể này. Kết quả cho thấy kháng thể sản sinh trong máu của các tình nguyện viên đã vô hiệu hóa virus "giả" nói trên với mức độ hiệu quả tương tự như đối với virus SARS-CoV-2.

Tuần trước, Pfizer dẫn kết quả một nghiên cứu tương tự trong phòng thí nghiệm cho thấy vaccine có hiệu quả chống lại một đột biến quan trọng, được gọi là N501Y, được phát hiện ở cả hai biến thể mới có khả năng lây lan nhanh hơn của virus SARS-CoV-2 xuất hiện ở Anh và Nam Phi.

Thanh Hương (TTXVN)
Lộ bằng chứng cơ quan quản lý thuốc EU bị ép phê duyệt vaccine Pfizer
Lộ bằng chứng cơ quan quản lý thuốc EU bị ép phê duyệt vaccine Pfizer

Mới đây, một số thư điện tử bị rò rỉ đã tiết lộ chi tiết cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EU) đã bị gây sức ép để nhanh chóng phê chuẩn cho vaccine COVID-19 của Pfizer bất chấp vaccine có "vấn đề”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN