Tờ The Washington Post (Mỹ) đánh giá đối với Pakistan, việc Taliban quay trở lại nắm quyền lực ở Afghanistan có thể dẫn đến khả năng nhóm Taliban Pakistan, còn có tên gọi là Tehrik-e-Taliban Pakistan (TTP), nổi dậy và gây rủi ro cho Pakistan. Ấn Độ trong khi đó quan ngại về tình hình tại Kashmir ở thời điểm nước này xảy ra nhiều vụ việc ở biên giới với cả Pakistan và Trung Quốc.
Về phần Trung Quốc, nước này quan ngại việc Mỹ rút quân khiến các nhóm vũ trang nhắm đến dự án cơ sở hạ tầng Bắc Kinh đầu tư. Ngoài ra Trung Quốc còn cảnh giác trước các vụ tấn công nhằm vào công dân nước này tại Pakistan. Trong tháng 7, một vụ tấn công liều chết đã xảy ra với chiếc xe buýt chở công nhân xây dựng Trung Quốc ở Tây Bắc Pakistan khiến 13 người tử vong. Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi ngày 13/8 cho biết Taliban Pakistan đứng sau vụ tấn công này.
Ông Andrew Small tại Quỹ Marshall Đức đánh giá: “Từ Islamabad (Pakistan) đến New Delhi và Bắc Kinh, có mức độ lo lắng khác nhau về việc Taliban đã dễ dàng và mạnh mẽ nắm quyền kiểm soát”.
Theo ông Andrew Small, sẽ có áp lực để “đảm bảo ổn định trong khu vực”.
Vào ngày 16/8, Bộ Ngoại giao Pakistan kêu gọi các lãnh đạo Afghanistan cùng hợp tác và cơ quan này khẳng định “một giải pháp chính trị là rất cần thiết”. Trung Quốc trong khi đó tuyên bố “tôn trọng ý chí và sự lựa chọn của người dân Afghanistan”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên từng đề cập coi Taliban là nhóm chính trị khác biệt với phiến quân Hồi giáo hoạt động ở Pakistan. Hồi cuối tháng 7, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từng tiếp và hội đàm với một phái đoàn các nhân vật cấp cao của Taliban tại thành phố Thiên Tân.
Nhà nghiên cứu Dan Markey tại Trường Nghiên cứu Quốc tế cấp cao Johns Hopkins nhận định: “Đối với Trung Quốc, an ninh là vấn đề lo ngại hàng đầu về Afghanistan. Tất cả những thứ khác sẽ theo sau. Đó là rủi ro về dòng người di chuyển, hệ tư tưởng và các chiến binh được đào tạo”.
Tại Ấn Độ, nhiều quan chức lo ngại rằng khi Taliban kiểm soát Afghanistan, các nhóm phiến quân Hồi giáo sẽ kích động bạo lực tại Kashmir. Nhưng Tướng về hưu Deependra Hooda, người từng chỉ huy lực lượng quân đội Ấn Độ đóng tại Kashmir cho đến năm 2016, nhận định rằng sẽ khó có tình trạng chiến binh nước ngoài tràn vào Kashmir từ Afghanistan để kích động nổi dậy bởi Ấn Độ đã thắt chặng đáng kể an ninh biên giới trong nửa thập niên qua. Ngoài ra, ông Hooda cũng cảnh báo Taliban sẽ trở thành tấm gương cho nhiều nhóm phiến quân tại Pakistan như Lashkar-e-Taiba, Jaish-e-Mohammed và Taliban Pakistan.
Bất ổn tại Afghanistan còn có thể gây ảnh hưởng đến các quốc gia lân cận theo yếu tố khác. Pakistan và Iran mỗi nước đều đang đón nhận trên 2 triệu người tị nạn Afghanistan.
Thủ tướng Pakistan Imran Khan trong tháng 6 cho biết nước này sẽ đóng biên giới với Afghanistan để ngăn dòng người tị nạn đổ về nếu Taliban nắm quyền kiểm soát. Trong khi đó, Iran vào ngày 16/8 tuyên bố sẽ thiết lập các lán trại dành cho người tị nạn Afghanistan tại 3 tỉnh biên giới.