Ordos - thành phố “ma” lớn nhất Trung Quốc

Giữa sa mạc Nội Mông, một thành phố mới, với những đại lộ lớn cùng đầy đủ những kiến trúc hiện đại, đã mọc lên từ 5 năm trước, nhưng đến nay vẫn trong tình trạng không một bóng người.

Được xây để làm nơi sinh sống cho khoảng 1 triệu người nhưng khu New Town Kangbashi của thành phố Ordos vẫn trống không sau 5 năm. Quận Kangbashi khởi nguồn là một dự án công ở Ordos, thành phố khai mỏ giàu có ở Nội Mông. Khu vực này có đầy đủ các tòa nhà văn phòng, trung tâm hành chính, tòa nhà chính phủ, bảo tàng, nhà hát, sân vận động và nhiều khu biệt thự. Giữa khu New Town là quảng trường Thành Cát Tư Hãn, với những bức tượng ngựa Mông Cổ khổng lồ đang chồm lên, xung quanh là những tòa nhà sừng sững của chính quyền.

Phía trước những bức tượng ngựa này, thành phố mới trải rộng trên 30km2 với những đại lộ mênh mông, những căn hộ của tương lai và những công trình kiến trúc… kỳ dị: Nhà hát có hình chiếc nón của người Mông Cổ, thư viện có dáng 3 quyển sách nằm nghiêng, viện bảo tàng giống như một hòn than! Một Đubai kiểu Trung Quốc ra đời từ năm 2004 giữa những cánh đồng của vùng Nội Mông, vừa mênh mông vừa vắng bóng người giống như thảo nguyên bao quanh nó.

Hàng loạt căn hộ mới ở Ordos nằm chờ chủ. Ảnh: internet


Nơi đây chỉ có một vấn đề duy nhất: Ordos New Town được thiết kế dành cho 1 triệu người sinh sống nhưng tới giờ hầu như vẫn vắng bóng người sau 5 năm mọc lên. Dù một số bất động sản đã được bán và một triệu người được dự tính sẽ sống ở quận này vào 2010 nhưng hiện giờ chính quyền chỉ cầu mong từ nay đến năm 2020 có được 300.000 người. Bởi vì hiện nay cả thành phố mới chỉ có... 31.000 người!

Ordos được coi là thành phố “ma” lớn nhất Trung Quốc hiện nay. Hầu hết các tòa nhà trong thành phố đều trống rỗng, hoặc chưa hoàn thành. Các căn hộ chung cư đều chưa bán được. Nơi đây được coi là một ví dụ điển hình của hiện tượng nổ “bong bóng” bất động sản tại Trung Quốc.

Câu chuyện bắt đầu từ khoảng 20 năm trước. Các công ty khai thác mỏ tư nhân khi đó đã đổ tới vùng thảo nguyên rộng lớn ở Nội Mông, phá vỡ cảnh quan yên bình nơi đây bằng những hố sâu khổng lồ vào lòng đất, hoặc những đường hầm ngầm. Nông dân địa phương bắt đầu bán đất của mình cho các công ty mỏ, và trở nên giàu có sau một đêm.

Các đoàn xe tải chở than đá ngày đêm cày xới các con đường. Thành phố cổ Ordos trở nên phát đạt khi các dòng tiền đổ về. Chính quyền nơi đây, vì vậy đã nghĩ đến một ý tưởng lớn lao hơn. Họ vạch ra các kế hoạch xây dựng một thành phố mới, với hàng trăm ngàn cư dân, lấy quảng trường Thành Cát Tư Hãn làm trung tâm. Những nguồn đầu tư lớn đã được đổ vào, nhưng 10 năm sau, Ordos mới vẫn là một thành phố không bóng người.


Các chuyên gia tài chính phương Tây đã chỉ ra rằng, nền kinh tế Trung Quốc hiện đang phụ thuộc vào thị trường bất động sản còn nhiều hơn cả nền kinh tế Mỹ vào thời điểm trước vụ nổ “bong bóng” vào năm 2007. Trong mắt nhiều chuyên gia, hiện tượng bùng nổ nhà ở tại Trung Quốc thực sự là một quả bom nổ chậm.
Không chỉ có Ordos, ước tính Trung Quốc hiện có tới hơn 10 thành phố “ma” tương tự. Thành phố Côn Minh (tỉnh Vân Nam) có khu đô thị mới Chenggong rộng 103 km2 cũng ở tình trạng báo động vì chỉ có đại lộ, nhà cao tầng và văn phòng nhưng không có cư dân. Ở Thiên Tân, chính quyền thành phố đã chi một lượng tiền khổng lồ xây dựng sân golf, suối nước nóng và hàng nghìn biệt thự, nhưng đến nay vẫn bỏ hoang sau 5 năm hoàn thành.

Chính quyền nhiều nơi muốn xây dựng các thành phố lớn để dịch chuyển hàng trăm triệu người dân ở nông thôn lên thành thị trong thập niên tới. Tuy nhiên, một thách thức với các nhà hoạch định chính sách là phải xác định xem những đô thị mở rộng kiểu Ordos được thúc đẩy bởi một kế hoạch “nhìn xa trông rộng” hay đơn thuần chỉ là do làn sóng đầu cơ bất động sản.

Thu Hằng (theo BBC news)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN