Liên minh này, hay còn gọi là OPEC+, trong cuộc họp cuối năm 2018 đã nhất trí giảm sản lượng khoảng 1,2 triệu thùng/ngày trong sáu tháng, bắt đầu từ 1/1/2019. OPEC+ sẽ nhóm họp vào ngày 25-26/6 để quyết định liệu có gia hạn thỏa thuận này hay không.
Bộ trưởng Rumhy nói rằng mục tiêu của cuộc họp tháng Sáu tới là gia hạn thỏa thuận đã được 31 nước ký kết hồi năm ngoái. Ông cho biết thêm quyết định của Mỹ chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt đối với tất cả 8 nước và vùng lãnh thổ được phép mua dầu thô của Iran mà không đối mặt với các biện pháp trừng phạt sẽ không gây ra tình trạng thiếu hụt hay dư cung trên thị trường trong bối cảnh Saudi Arabia và Nga có thể tham gia để cân bằng thị trường.
Trước đó ngày 30/4, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih khẳng định nước này sẵn sàng thay thế Iran để đáp ứng nhu cầu của các khách mua dầu mỏ. Trong khi đó, Giám đốc Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Nga Rosneft, ông Igor Sechin, cũng đã đề cập tới việc Nga sẽ giúp thay thế lượng dầu của Iran trên thị trường sau quyết định trên của Mỹ.
Theo Bộ trưởng Rumhy, thị trường hiện đã cân bằng và mức giá 70 USD/thùng dầu là hợp lý cho nhà sản xuất và người tiêu dùng. Ngoài ra, giá dầu có thể sẽ vẫn giữ quanh mức trên, bất chấp chính sách trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran và cuộc khủng hoảng tại Venezuela và Libya.
Trong một thông tin khác, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 26/4 đã tăng khoảng 9,9 triệu thùng lên 470,6 triệu thùng so với tuần trước đó và là mức trung bình trong 5 năm. Dự trữ xăng tăng 900.000 thùng, thấp hơn khoảng 2% so với mức trung bình 5 năm. Trong khi đó, dự trữ nhiên liệu chưng cất giảm khoảng 1,3 triệu thùng, thấp hơn 6% so với mức trung bình của cùng thời điểm này trong năm.