Phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia Algeria trước thềm cuộc họp Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) ngày 3/8, Tổng Thư ký Al-Ghais cho biết OPEC nhận thấy nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng lên so với giai đoạn đại dịch COVID-19 vào năm 2020 và 2021. Mặc dù đã có sự phục hồi về nhu cầu dầu mỏ sau đại dịch, song xu hướng này đang giảm tốc nhẹ.
Cùng ngày, Kazakhstan, thành viên của OPEC+, cho rằng tổ chức này có thể phải nâng sản lượng dầu mỏ để hạ nhiệt thị trường.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Năng lượng Kazakhstan Bolat Akchulakov cho biết nước này mong muốn giá dầu ở mức 60 - 80 USD/thùng, song giá dầu hiện đã lên tới 100 USD/thùng. Theo ông, cần phải tăng sản lượng tránh để thị trường "quá nóng".
Các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga đã khiến giá tất cả các loại năng lượng leo thang, kéo theo lạm phát tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ và các ngân hàng trung ương nâng lãi suất. Mỹ đang gây áp lực đối với hai nhà sản xuất hàng đầu của OPEC là Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nhằm tăng sản lượng để giúp kìm hãm đà tăng của giá dầu.
Sau khi cắt giảm sản lượng trong năm 2020 do giá dầu xuống thấp trong đại dịch COVID-19, OPEC+ đã bắt đầu tăng nhẹ sản lượng trong năm 2021 và điều chỉnh chính sách hằng tháng. Trong những tháng vừa qua, OPEC đã tăng sản lượng theo đúng mục tiêu đề ra là khoảng 430.000 - 650.000 thùng/ngày. Theo thống nhất trên văn bản thì ở thời điểm này của năm, sản lượng dầu của OPEC+ đã phục hồi về mức trước dịch COVID-19 nhưng trên thực tế 23 quốc gia thuộc OPEC+ đều đang chật vật tìm cách hoàn thành chỉ tiêu. Saudi Arabia và UAE là 2 quốc gia duy nhất còn dư công suất khai thác để tăng sản lượng.
Dự kiến cuộc họp trong ngày 3/8 của OPEC+ sẽ tập trung thảo luận các chiến lược sản lượng từ tháng 9 tới. Thị trường vẫn đang kỳ vọng OPEC+ sẽ duy trì sản lượng ở mức ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ. Ba nguồn tin nội bộ cho rằng có ít khả năng tổ chức này sẽ thay đổi chính sách về sản lượng.