“Điều này, tất nhiên, làm thay đổi tiến trình của chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine”, ông Medvedev nhấn mạnh khi bình luận về việc Nga sử dụng tên lửa siêu vượt âm Oreshnik.
Bình luận của ông Medvedev được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 21/11 xác nhận Moskva đã thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm tầm trung trong cuộc tấn công vào thành phố Dnipro của Ukraine.
Điện Kremlin cho biết cuộc tấn công này là để đáp trả việc Ukraine gần đây sử dụng tên lửa tầm xa do Mỹ và Anh cung cấp nhắm vào lãnh thổ Nga. Trước đó, các địa điểm quân sự của Nga ở khu vực Kursk và Bryansk đã bị tấn công bằng Hệ thống tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS).
Uy lực của Oreshnik
Tên lửa đạn đạo tầm trung mới, Oreshnik (trong tiếng Nga có nghĩa là "cây phỉ") là một loại vũ khí có khả năng mang đầu đạn hạt nhân chưa từng được đề cập công khai trước đây.
Lầu Năm Góc cho rằng loại tên lửa này được phát triển dựa trên tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) RS-26 Rubezh. Tên lửa siêu vượt âm này di chuyển với tốc độ Mach 5 – gấp 5 lần tốc độ âm thanh – và có thể cơ động giữa chuyến bay, khiến chúng khó bị theo dõi và đánh chặn hơn.
Chuyên gia quân sự Viktor Baranets nhận định với tờ Komsomolskaya Pravda rằng tên lửa này có thể có từ 3 đến 6 đầu đạn.
Ông Igor Korotchenko, biên tập viên của Tạp chí National Defence, cho biết dựa trên các video về cuộc tấn công, Oreshnik có khả năng có nhiều đầu đạn dẫn đường độc lập.
"Mồi lửa"khiến căng thẳng leo thang
Vụ tấn công tên lửa Oreshnik diễn ra sau khi Ukraine lần đầu tiên phóng tên lửa do Mỹ và Anh cung cấp vào lãnh thổ Nga, làm leo thang căng thẳng trong cuộc xung đột kéo dài gần 3 năm.
Động thái này diễn ra sau khi Chính quyền của Tổng thống Joe Biden “bật đèn xanh” cho phép Kiev sử dụng Hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội có độ chính xác cao (ATACMS) để tấn công các mục tiêu ở Nga.
Moskva cho biết 6 tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất đã được phóng vào lãnh thổ Nga hôm 19/11. Trong khi tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh và hệ thống HIMARS do Mỹ sản xuất đã được phóng vào nước này hôm 21/11.
Moskva cho biết điều này khiến các nước phương Tây cho phép Ukraine sử dụng tên lửa của họ để tấn công Nga trở thành những bên tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột.
Ngày 22/11, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm mới vào Ukraine chính là thông điệp gửi tới phương Tây trước những hành động gây hấn vừa qua.
“Thông điệp chính là các quyết định, hành động liều lĩnh của các nước phương Tây khi sản xuất tên lửa, cung cấp cho Ukraine và sau đó tham gia vào các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga, sẽ không thể không có phản ứng từ phía Nga”, ông Peskov tuyên bố.
Một ngày trước đó, Tổng thống Putin cho biết cuộc tấn công vào thành phố Dnipro đã thử nghiệm một trong những hệ thống tên lửa tầm trung mới nhất của Nga trong điều kiện chiến đấu.
Ông Putin cho biết tên lửa này đã được triển khai “trong cấu hình siêu vượt âm phi hạt nhân”, cuộc thử nghiệm đã thành công và đã nhắm trúng mục tiêu. Người đứng đầu Điện Kremlin nhấn mạnh các hệ thống phòng không không thể đánh chặn Oreshnik.
“Các hệ thống phòng không hiện đại không thể đánh chặn những tên lửa này. Điều đó là không thể. Cho đến nay, không có phương tiện nào có thể chống lại vũ khí này”, ông nói.
Ông Putin cũng cảnh báo Nga sẽ giải quyết vấn đề triển khai thêm các tên lửa tầm trung và tầm ngắn dựa trên các hành động của Mỹ và các vệ tinh của nước này.
Kiev cho rằng Nga đã sử dụng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cùng với một loạt tên lửa khác tại Dnipro.
Chính quyền địa phương cho biết cuộc tấn công đã nhắm trúng một cơ sở hạ tầng và khiến 2 người bị thương.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cảnh báo về “sự leo thang rõ ràng” sau vụ tấn công tên lửa của Nga. Ông cho biết loại tên lửa mà Nga sử dụng là đạn đạo xuyên lục địa có tầm bắn từ 1.000-5.500 km, thấp hơn một chút so với tên lửa đạn đạo tầm trung.
Theo Tổng cục Tình báo Ukraine, tên lửa này được phóng từ Bãi thử tên lửa thứ 4, Kapustin Yar, ở vùng Astrakhan của Nga và bay 15 phút trước khi tấn công Dnipro. Tên lửa có 6 đầu đạn, mỗi đầu đạn mang 6 đầu đạn con. Tốc độ tối đa mà tên lửa đạt được là Mach 11.
Một nguồn tin của NATO cho biết tổ chức này sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn cấp với Ukraine tại trụ sở liên minh ở Brussels để thảo luận về việc Moskva sử dụng tên lửa Oreshnik.
Liên minh quân sự phương Tây xác nhận rằng Hội đồng NATO - Ukraine, bao gồm các đại sứ NATO của các nước đồng minh và các đối tác Ukraine, sẽ triệu tập theo yêu cầu của Kiev, nhưng không cung cấp bất kỳ thông tin chi tiết nào về chủ đề thảo luận.