Theo một phán quyết được tung lên mạng xã hội Trung Quốc WeChat ngày 14/12, Tòa án Trung cấp Nhân dân ở Nam Kinh, Giang Tô cho biết đã ban hành lệnh hạn chế 3 tháng đối với người bố, cấm người này đe dọa, đánh đập, quấy rối vợ và hai con.
Con trai 7 tuổi của người phụ nữ nói trên là học sinh tiểu học, còn bé gái 5 tuổi vẫn đang học mẫu giáo. Nhưng người phụ nữ họ Zheng cho biết chồng cô có bằng tiến sĩ và thường dạy các con các môn học ở cấp trung học và đại học, chẳng hạn như cổ văn, một ngôn ngữ văn học được sử dụng ở Trung Quốc thời xưa và được dạy cho học sinh trung học và đại học. Ngoài ra, hai bé còn phải học toán trình độ đại học.
Người vợ họ Zheng cho biết chồng yêu cầu các con học đến tối muộn hàng ngày và thường chửi mắng, đánh đập con khi đứng giám sát việc học.
Ông bố từ chối lời đề nghị hòa giải của công an, hội phụ nữ địa phương và giáo viên của các con, cho rằng việc kỷ luật con cái là "chuyện riêng". Anh ta cũng không xuất hiện tại tòa sau khi vợ nộp đơn xin lệnh hạn chế.
Tòa án cho biết: “Mặc dù anh ta không gây thương tích nghiêm trọng về thể chất cho các con, nhưng hành động của anh ta đã gây tổn hại tâm lý cho các con do chúng bị lạm dụng lâu dài. Đây cũng là một hình thức bạo lực gia đình”.
Tòa án cho biết: “Phương pháp giáo dục lỗi thời này sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần của trẻ em. Vì sợ các con sẽ thua cuộc chơi giáo dục ngay từ đầu, anh ta đã dạy chúng rất nhiều kiến thức theo cách mà anh ta cho là đúng. Tuy nhiên, những việc làm của anh ta không hỗ trợ sự phát triển tinh thần và trí tuệ của trẻ vị thành niên”.
Ông bố trên đã bị cư dân mạng gọi là “bố hổ”, một từ mà người Trung Quốc dùng để chỉ cách giáo dục, dạy dỗ khắc nghiệt của cha mẹ đối với con. Những người này thường giám sát việc học của con thái quá. Mặc dù khái niệm bố mẹ hổ gây tranh cãi giữa các bậc phụ huynh Trung Quốc nhưng hiếm khi cách dạy dỗ này bị đưa ra tòa.
Sự việc về “bố hổ” này đã trở thành một trong những tin tức được xem nhiều nhất trên công cụ tìm kiếm Baidu vào ngày 15/12.
Một người bình luận: “Anh ta mất trí rồi. Ở độ tuổi 7 hoặc 5, nhiều trẻ em còn không biết đọc chữ cái Trung Quốc”.
Thông thường, các bậc cha mẹ ở Trung Quốc sẽ cho con mình học trước các môn học vì họ cho rằng con mình có thể giành lợi thế so với các bạn không học trước.
Vào tháng 7, giới chức Trung Quốc đã thực hiện một loạt biện pháp cải cách giáo dục như cấm dạy thêm sau giờ học, nhằm giảm áp lực học tập cho trẻ em.