“Chúng tôi là quốc gia đầu tiên trên thế giới sau Mỹ mua Switchblade 600. Những máy bay chiến đấu không người lái này là một năng lực tái triển khai mới, mang đến cho Quân đội Litva khả năng tiêu diệt xe tăng và các phương tiện bọc thép khác của địch ở khoảng cách lên tới 40km. Quân đội chúng tôi chưa từng có năng lực như vậy cho đến nay", Bộ trưởng Quốc phòng Arvydas Anušauskas cho biết trong một tuyên bố.
Theo Bộ trưởng Anušauskas, thỏa thuận trên trị giá khoảng 45 triệu euro (48 triệu USD). Công ty Mỹ AeroVironment sẽ chế tạo máy bay không người lái (UAV) kamikaze Switchblade 600. Nhưng hiện không rõ Litva sẽ nhận bao nhiêu hệ thống Switchblade 600.
Trong cuộc xung đột với Nga, Ukraine đã sử dụng máy bay không người lái Switchblade 300. Tương tự như vậy, các quốc gia khác dọc theo rìa phía Tây của Nga cũng đang tích cực mua UAV chiến đấu. Ví dụ, Ba Lan đã thuê một bộ máy bay không người lái MQ-9A Reaper từ General Atomics vào tháng 10 và đang chuẩn bị mua máy bay không người lái này. Romania trong tháng này đã ký một thỏa thuận khung với tập đoàn Elbit Systems của Israel để mua 7 máy bay không người lái Watchkeeper X.
Trong khi đó, quân đội Litva cũng có thể mua máy bay không người lái Switchblade 300 từ Mỹ “trong tương lai gần”. Tuyên bố của ông Anušauskas cho biết Vilnius hy vọng Washington sẽ tài trợ cho thương vụ mua bán tiềm năng đó như một phần hỗ trợ quân sự cho các đồng minh châu Âu.
Đơn đặt hàng Switchblade 600 được công bố ngay sau khi Litva và Mỹ ký một thỏa thuận trị giá 495 triệu USD để mua 8 Hệ thống tên lửa phóng loạt cơ động cao M142. Hoạt động chuyển giao hàng được lên kế hoạch trong khung thời gian 2025 - 2026.
Switchblade được mệnh danh là “sát thủ cảm tử” vì chỉ được sử dụng một lần duy nhất song lại có thể gây sát thương lớn đối với bộ binh hay phá hủy xe tăng hoặc pháo. Đây là máy bay không người lái hạng nhẹ, kích thước rất nhỏ, trang bị camera, được điều khiển trên chiến trường thông qua một máy tính bảng.
Chúng được lập trình để tự động tấn công các mục tiêu cách xa hàng kilomet và bay lảng vảng xung quanh mục tiêu cho đến khi chọn đúng thời điểm thích hợp để tấn công. Vũ khí này có 2 phiên bản là Switchblade 300 và Switchblade 600. Phiên bản 300 được thiết kế để tấn công binh sỹ của đối phương, còn phiên bản 600 dùng để tấn công xe tăng và xe bọc thép. Cả 2 đều tìm kiếm mục tiêu bằng cách sử dụng cảm biến và công nghệ GPS.
Khác với máy bay không người lái do thám và giám sát tình báo (ISR) được sử dụng rộng rãi trong quân đội Mỹ, Switchblade 300 dài gần 61 cm và có trọng lượng đủ nhẹ 2,5 kg, đặt vừa trong ba lô của người lính. Nó được tích hợp một loại đạn nổ tiên tiến của Northrop Grumman có khả năng tiêu diệt một nhóm binh sĩ ở khoảng cách gần, nhưng không đủ mạnh để gây nhiều sát thương cho xe tăng. Switchblade 300 có tầm hoạt động 10km và có thể bay trên không trung trong khoảng 15 phút.
UAV Switchblade được Lực lượng đặc nhiệm của Mỹ triển khai lần đầu tiên tại Afghanistan. Tuy nhiên trước đó, nó đã được Lục quân và Thủy quân lục chiến sử dụng để phá các cuộc phục kích hoặc tấn công những phương tiện bọc thép hạng nhẹ.
Nhà sản xuất, công ty AeroVironment cho biết, UAV Switchblade hầu như ít bị phát hiện do có kích thước nhỏ và khả năng sinh nhiệt thấp vì sử dụng động cơ điện. Nói cách khác, binh sỹ của đối phương sẽ không biết họ bị theo dõi cho đến khi Switchblade thực hiện cuộc tấn công. Khối lượng thuốc nổ được bắn ra theo dạng hình nón, làm giảm khả năng gây thiệt hại cho khu vực xung quanh và đảm bảo phá hủy được mục tiêu định sẵn.
Phiên bản tiên tiến Switchblade 600 có thể bay lâu hơn, có tầm hoạt động xa hơn và mang được tải trọng lớn hơn để chống lại các phương tiện bọc thép. Theo nhà sản xuất, Switchblade 600 có tầm bay xa tới 80km, mang một đầu đạn xuyên giáp trọng lượng 3kg. Nếu chưa tìm thấy mục tiêu tấn công, UAV Switchblade 600 sẽ tuần tra không phận trong chế độ chờ với thời gian tối đa 40 phút.
Switchblade 600 còn có một tính năng khác cho phép người vận hành hủy bỏ nhiệm vụ bất cứ lúc nào và thực hiện lại nhiệm vụ với cùng mục tiêu đó hoặc mục tiêu khác nhiều lần.