Ngân hàng Trung ương (BoE) và Bộ Tài chính Anh đang chuẩn bị kịch bản đối phó với tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài sau khi các quy định hạn chế, đóng cửa được dỡ bỏ. Động thái này xuất hiện tại thời điểm giới chức Anh lo âu thường trực về nguy cơ người người dân không hào hứng chi tiêu hay trở lại làm việc.
Phó Thống đốc BoE Ben Broadbent ngày 20/4 cho biết mức dự báo kinh tế Anh suy giảm 35% trong quý 2 được Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR) đưa ra không phải là điều phi thực tế, đồng thời cảnh báo sẽ không dễ dàng để nước Anh thoát ra khỏi suy thoái. Ông cho biết, giới điều hành sẽ phải cân nhắc xem liệu phản ứng hành vi của người dân trước việc chính phủ dỡ lệnh đóng cửa có cải thiện được cầu tiêu dùng ở một số lĩnh vực hay không. Một số ngành như xây dựng đã đóng băng, dù chính phủ không cấm đoán các hoạt động trong ngành này – ông Broadbdent nêu ví dụ.
Mối lo ngại trong công chúng về nguy cơ mắc COVID-19 sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ là chủ đề thảo luận lớn bên trong nội bộ Chính phủ Anh, được thể hiện qua bận tâm ngày một lớn của Bộ Tài chính Anh – cơ quan cho rằng nền kinh tế sẽ suy thoái kéo dài theo hình chữ U.
Trong khi còn chưa thống nhất được đâu là thời điểm thích hợp để dỡ bỏ các quy định liên quan đến đóng cửa, tất cả các Bộ trưởng nội các đều đồng thuận ở một điểm: bất kì một giải pháp nới lỏng nào đều phải được đi cùng bởi các chiến dịch công khai nhằm trấn an người dân rằng việc ra khỏi nhà là an toàn.
Một quan chức chính phủ cho rằng điều quan trọng là cần phải có cách truyền thông đúng đắn, để người dân hiểu các quy định mới là gì. Một số quan chức khác lại nhận định, nếu chính quyền mở cửa trường học, ý nghĩ cho rằng trẻ em bất ngờ quay trở lại trường sẽ chẳng có cơ sở nào. Công chúng vẫn lo sợ virus chết người. Người dân sẽ chỉ bước ra khỏi phong tỏa chừng nào chính quyền tuyên bố điều này là an toàn.
Trong khi đó, các cố vấn khoa học trong chính quyền tuần này mới xem xét liệu có đưa ra khuyến nghị đeo khẩu trang hay không - một bước đi có thể giúp trấn an dư luận rằng việc quay trở lại làm việc là an toàn. Thị trưởng London Sadiq Khan tuần trước từng đề xuất quy định đeo khẩu trang hoặc đồ che mặt khác tại cửa hàng và các địa điểm giao thông công cộng. Giới cố vấn khoa học Anh cho đến nay vẫn nghi ngờ về hiệu quả của khẩu trang.
Bất kỳ một chiến lược thoát đóng cửa nào cũng cần phải tính đến yêu cầu xét nghiệm diện rộng SARS-CoV-2. Nhưng con số chính thức mới nhất cho thấy chỉ có 19.316 ca xét nghiệm được thực hiện tron ngày 20/4, kém xa mức mục tiêu 100.000 ca/ngày mà Bộ trưởng Y tế Matt Hancock đề xuất. Mối lo ngại trong chính quyền vẫn còn lớn. Người phát ngôn của Thủ tướng Boris Johnson cho biết quan ngại lớn nằm ở "đỉnh dịch lần hai" - đó là khi dịch bệnh gây ra những hệ quả lớn nhất cho sức khỏe người dân và nền kinh tế nếu nới lỏng hay dỡ bỏ biện pháp đóng cửa quá sớm và để virus có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Thủ tướng Johnson đang trong quá trình hồi phục, thường xuyên được cập nhật thông tin về dịch bệnh. Ông là người theo đuổi cách tiếp cận thận trọng, tương đồng với Bộ trưởng Y tế Hancock nhưng lại đối lập với Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak và Bộ trưởng Văn phòng Nội các Michael Gove – những người ủng hộ cách tiếp cận nhanh chóng dỡ bỏ lệnh đóng cửa, bắt đầu từ tháng tới. Trong khi đó các nhóm cố vấn khoa học về tình trạng khẩn cấp phải đến cuối tháng này mới đưa ra được các luận chứng mới cho các bộ trưởng để họ quyết định xem đã đến thời điểm nới lỏng lệnh phong tỏa hay chưa.
Bộ Tài chính Anh thừa nhận, mọi quyết định dỡ phong tỏa, hạn chế tiếp xúc đều phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh và dường như không có cơ hội mở cửa ồ ạt nền nền kinh tế. Cựu Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond ngày 20/4 cho rằng điều quan trọng nhất là các công ty, doanh nghiệp cần phải được tiếp cận nhiều thông tin hơn nữa liên quan đến chiến lược thoát đóng cửa của chính phủ, đề từ đó họ có thể bắt tay hoạch định cho một môi trường mới.
“Đó là nền kinh tế quy mô 2.000 tỉ bảng Anh. Không thể có chuyện tự nó chuyển mình sau một đêm mà không có điều kiện đi kèm. Khi đèn xanh đã được bật, mức độ phản ứng nhanh chóng của các công ty nhanh chậm ra sao đều phụ thuộc vào doanh nghiệp, vào người dân, có nghĩa là số này đều phải có sự chuẩn bị trước. Càng đẩy nhanh cung cấp, minh bạch thông tin, sẽ càng có ít doanh nghiệp phá sản, nhiều việc làm được giữ lại”, ông Hammond nêu quan điểm.
Cựu Bộ trưởng Anh nhận định, những người dự báo kinh tế Anh đi theo mô hình chữ V (giảm nhanh, nhưng hồi phục nhanh trở lại) đã quá lạc quan. Khả năng cao là sẽ theo mô hình chữ U – tức suy thoái còn kéo dài trước khi có thể hồi phục.