Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ trị giá 95 tỷ USD
Tối 23/4 Thượng viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ bổ sung cho Ukraine, Israel và một số quốc gia khác. Gói viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD trên bao gồm 61 tỷ USD dành cho Ukraine, 13 tỷ USD cho Israel và 8 tỷ USD cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 24/4 đã ký ban hành luật cho phép viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraine. Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết các chuyến hàng viện trợ cho Ukraine sẽ bắt đầu “trong vài giờ tới” và bao gồm các thiết bị phòng không cùng đạn dược và tên lửa, xe bọc thép.
Lầu Năm Góc cũng thông báo gói viện trợ trị giá 1 tỷ USD sẽ đến Ukraine ngay sau khi Biden ký dự luật thành luật. Tiếp đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 26/4 đã công bố gói viện trợ vũ khí mới cho Ukraine trị giá 6 tỷ USD. Trả lời họp báo, ông Austin nhấn mạnh: “Đây là gói hỗ trợ lớn nhất mà chúng tôi từng cam kết cho đến nay”.
Nhà lãnh đạo Mỹ Biden ngày 22/4 nói với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng Washington sẽ gửi các loại vũ khí phòng không rất cần thiết ngay sau khi đạo luật được thông qua. Bản thân Tổng thống Zelensky ngày 22/4 cũng đăng trên mạng xã hội X, trước đây là Twitter: “Tổng thống Biden đã đảm bảo với tôi rằng gói này sẽ được phê duyệt nhanh chóng và có hiệu quả mạnh mẽ, giúp tăng cường khả năng phòng không cũng như tầm xa và pháo binh của chúng tôi”.
Lần đầu tiên Tổng thống Biden đưa ra yêu cầu về gói viện trợ bổ sung là vào mùa hè năm ngoái. Tuy nhiên, nó đã “tắc nghẽn” tại Quốc hội Mỹ trong một thời gian khi nhiều nghị sĩ đặt câu hỏi về sự can dự của Mỹ vào các cuộc xung đột nước ngoài và cho rằng Quốc hội thay vào đó nên tập trung vào tình trạng nhập cư ở biên giới Mỹ - Mexico.
Nhiều đồng nội tệ châu Á giảm giá
Thời gian qua, đồng nội tệ của nhiều nước châu Á đã chịu ảnh hưởng bởi việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn hạ lãi suất và đồng USD mạnh lên.
Ngân hàng Mỹ dự đoán đồng nhân dân tệ Trung Quốc có thể neo ở mốc 7,35 nhân dân tệ đổi 1 USD trong quý này và hạ xuống 7,45 đổi 1 USD trong quý 3 và quý 4. Ngân hàng Mỹ cũng cho rằng áp lực sụt giá của nhân dân tệ sẽ duy trì đến quý hai của năm nay do Fed trì hoãn hạ lãi suất, giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Về đồng won của Hàn Quốc, các nhà kinh tế học tại BofA đánh giá nó đã chịu tác động bởi quyết định của Fed và rủi ro địa chính trị ở Trung Đông. Đồng won của Hàn Quốc đã giảm hơn 7% so với đồng USD trong năm nay, đánh dấu mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2018.
Đồng won Hàn Quốc gần đây đã trượt xuống mức thấp nhất 18 tháng với 1.389,5 won đổi 1 USD. Thống đốc Ngân hàng trung ương Hàn Quốc khẳng định sẽ can thiệp nếu cần thiết.
Ngày 26/4, giá trị đồng yên so với đồng USD đã rơi xuống mức 156 yên đổi 1 USD. Trước đó, vào ngày 24/4, tỷ giá đồng yên so với đồng USD chạm mức thấp nhất trong 34 năm. Theo đó, giá đã có lúc cán ngưỡng 155,17 yên đổi 1 USD, thấp nhất kể từ năm 1990.
Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki và các nhà hoạch định chính sách của Nhật Bản cho biết đang theo sát diễn biến tỷ giá và sẽ có phản ứng khi cần thiết. Đồng yên vẫn tiếp tục đà suy yếu ngay cả sau khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) hồi tháng 3 tăng lãi suất lần đầu tiên sau 17 năm.
Trong cuộc họp bộ trưởng tài chính Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đầu tiên vào tuần trước, các nhà hoạch định chính sách đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự mất giá mạnh gần đây của đồng won Hàn Quốc và đồng yên Nhật.
Ngoài ra, cũng có thảo luận về khả năng “can thiệp phối hợp” giữa Nhật Bản với Hàn Quốc. Nếu được triển khai, các nhà phân tích tin rằng hành động như vậy có thể mang lại lợi ích về mặt chính trị và kinh tế cho cả hai quốc gia, trong trường hợp nó hỗ trợ thành công đồng yên và đồng won Hàn Quốc.
Nắng nóng gay gắt tại hàng loạt nước châu Á
Các quốc gia ở châu Á đã phải hứng chịu gánh nặng của các hiện tượng thời tiết cực đoan trong những năm gần đây. Đặc biệt, tình trạng thời tiết năm nay trở nên trầm trọng hơn do tác động của El Nino và biến đổi khí hậu. Một đợt nắng nóng "đổ lửa" đã tàn phá nhiều khu vực ở Đông Nam Á và Nam Á trong tuần này.
Cơ quan khí tượng Myanmar cho biết nhiều khu vực ở nước này đã ghi nhận nền nhiệt tăng đột biến, trong đó không ít địa phương chạm mốc trên 40 độ C. Cục Khí tượng thủy văn Myanmar dự báo nhiệt độ ở miền Trung và vùng đồng bằng nước này có thể sẽ tiếp tục tăng cao trong hai ngày 28 - 29/4.
Campuchia đang hứng chịu đợt nắng nóng khốc liệt với nhiệt độ cao nhất trong ngày có thể dao động từ 40 - 42 độ C ở một số khu vực trên phạm vi toàn quốc. Ông Chan Yutha, người phát ngôn Bộ Tài nguyên nước và Khí tượng Campuchia cho biết từ ngày 26 - 27/4, nhiệt độ cao nhất ở quốc gia Đông Nam Á này có thời điểm lên tới 40 - 42 độ C.
Tuần này, Thái Lan đã hứng chịu một đợt nắng nóng. Truyền thông địa phương đưa tin, nhu cầu điện tăng vọt lên mức cao mới vào tối 22/4 khi người dân chuyển sang sử dụng điều hòa không khí. Tại thủ đô Bangkok, nhiệt độ lên tới 40,1 độ C vào ngày 24/4. Nắng nóng dự báo sẽ tiếp tục kéo dài trong những ngày tới ở Thái Lan. Chính phủ nước này đã kêu gọi người dân uống đủ nước, bôi kem chống nắng, tránh hoạt động ngoài trời để tránh say nắng. Trong năm nay, đã có 30 người đã thiệt mạng do say nắng tại Thái Lan.
Theo Liên hợp quốc, một nửa trong số 82 tỉnh của Philippines đang phải hứng chịu hạn hán. Các vụ hỏa hoạn trên khắp Philippines từ tháng 1 đến tháng 3 đã tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023 do tình trạng quá tải điện và quạt điện tăng nhiệt do sử dụng liên tục. Hàng nghìn trường học trên khắp Philippines, đã tạm dừng các lớp học trực tiếp và chuyển sang trực tuyến bởi nhiệt độ cao.
Bangladesh cũng buộc phải đóng cửa tất cả các trường học trong tuần này sau khi nhiệt độ tăng vọt lên từ 40 độ C đến 42 độ C ở một số khu vực. Khoảng 33 triệu trẻ em ở Bangladesh bị ảnh hưởng. Cơ quan thời tiết Bangladesh dự báo nắng nóng gay gắt sẽ kéo dài ít nhất một tuần nữa. Các bệnh viện và phòng khám đã được yêu cầu chuẩn bị cho lượng bệnh nhân tăng cao do các bệnh liên quan đến nhiệt độ.
Bộ trưởng Y tế Bangladesh Samanta Lal Sen vào đầu tuần này tuyên bố rằng những bệnh nhân bị say nắng sẽ được đưa vào khu điều trị có điều hòa. Hàng nghìn người ở Bangladesh đã tập trung tại các thánh đường Hồi giáo và các cánh đồng ở nông thôn để cầu nguyện giảm bớt nhiệt độ cao.
Ngoại trưởng Mỹ đến Trung Quốc
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 24 - 26/4. Đây là chuyến thăm thứ hai đến Trung Quốc mà Ngoại trưởng Blinken thực hiện trong vòng 1 năm. Một số chuyên gia Trung Quốc cho rằng, Ngoại trưởng Mỹ đã chuẩn bị đầy đủ trước khi bắt đầu chuyến thăm.
Ngày 26/4, tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp Ngoại trưởng Mỹ Blinken. Phát biểu tại cuộc gặp, nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng cần giải quyết các vấn đề cơ bản trong quan hệ giữa hai nước để mối quan hệ đó thực sự ổn định, cải thiện và tiến lên phía trước.
Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho rằng Trung Quốc có thể đóng vai trò xây dựng trong các cuộc khủng hoảng toàn cầu, cụ thể xung đột giữa Nga và Ukraine, hay Trung Đông.
Cùng ngày 26/4, sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cùng người đồng cấp Mỹ Blinken, Bắc Kinh và Washington đã đạt đồng thuận 5 điểm về mối quan hệ toàn diện, trong đó nhất trí thúc đẩy quan hệ song phương theo hướng ổn định và phát triển.
Theo tờ Global Times, trên thực tế, Trung Quốc sẽ không thỏa hiệp trong một số vấn đề cốt lõi và dự báo xích mích giữa hai nước chưa thể được giải quyết chỉ bằng một hoặc hai vòng đối thoại.
Trung Quốc và Mỹ cũng đã nối lại các kênh đối thoại về một số chủ đề Mỹ muốn thảo luận trong chuyến làm việc của Ngoại trưởng Blinken, như biến đổi khí hậu và buôn bán ma túy, cũng như các kênh liên lạc quân sự.